Nhà lãnh đạo kinh tế - tài chính có tầm nhìn chiến lược (*)


Cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có nhiều cống hiến rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc xây dựng nền Tài chính cách mạng Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại. Tạp chí Kinh tế - Tài chính giới thiệu đến độc giả bài viết của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (nay là Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính) trong cuốn sách "Đồng chí Đặng Việt Châu: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Hội đồng Chính phủ tại Thác Dẫng, Sơn Dương, Tuyên Quang, ngày 6-7/4/1951. Trong ảnh: Đồng chí Đặng Việt Châu ở hàng thứ 3, đứng thứ 4 từ phải sang. Ảnh gia đình cung cấp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Hội đồng Chính phủ tại Thác Dẫng, Sơn Dương, Tuyên Quang, ngày 6-7/4/1951. Trong ảnh: Đồng chí Đặng Việt Châu ở hàng thứ 3, đứng thứ 4 từ phải sang. Ảnh gia đình cung cấp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu đảm nhiệm trọng trách đứng đầu ngành Tài chính trong 9 năm liền (từ tháng 5/1965 đến tháng 3/1974). Đồng chí Đặng Việt Châu là một trong những vị “Tổng tư lệnh” ngành Tài chính thời kỳ đầu, là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, để lại cho ngành Tài chính những đóng góp to lớn.

Đồng chí là một tấm gương điển hình trong trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, cùng toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của Ngành trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Những tư tưởng kinh tế tiến bộ

Sự quan tâm đến các lĩnh vực kinh tế được đồng chí Đặng Việt Châu khắc ghi từ rất sớm, từ giai đoạn đầu tham gia cách mạng trên con đường “vô sản hóa”. Trong cuốn hồi ký “Trường học cuộc đời”, cách nhìn nhận các vấn đề kinh tế của đồng chí Đặng Việt Châu đã được thể hiện qua việc ghi lại cảnh sinh hoạt buôn bán của tiểu thương ở các khu chợ vùng mỏ. Ông nhớ lại: “Một cảnh đặc biệt mà không bao giờ tôi quên là có một người đàn bà Dao gùi cái gì đó xuống chợ bán, gặp một mụ tiểu thương đỡ lấy gùi, đổ vào thúng của mình và trả 3 đồng xu, ánh đồng chói đỏ. Người đàn bà Dao đứng thẫn thờ và nói: “Bảo rằng 5 sao lại có 3?”. Mụ tiểu thương trả lời: “Xu đồng đỏ mà lại!”. Người đàn bà Dao vừa thích xu đồng đỏ, vừa tiếc món hàng của mình sao lại được có 3 xu, đứng lẩm bẩm một lát. Thế rồi mụ tiểu thương cắp thúng đi và chị người Dao không biết làm thế nào, cũng phải đi. Cách bóc lột trắng trợn ấy, tôi tưởng trôi qua, nhưng ba chục năm sau nó lại hiện ra trong đầu óc tôi, khi nghe đồng bào thiểu số ở Việt Bắc kể chuyện về những tiểu thương làm nghề đổi chác đi vào các bản làng, bán chịu cho 3 bánh thuốc lào, cân ra tiền, rồi vài năm sau bắt nợ mất một con trâu” .  

Có lẽ chính những trải nghiệm thực tế trong quá trình hoạt động cách mạng đã giúp ông có những tư tưởng tiến bộ trong việc xây dựng hệ thống thương nghiệp quốc doanh kiểu mới, đảm bảo tính công bằng, hợp lý trong các giao dịch trao đổi mua bán, đặc biệt là đối với các đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Đồng chí Đặng Việt Châu là một trong những nhà lãnh đạo luôn vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại, đó là muốn có hòa bình để phát triển đất nước phải mở rộng bang giao. Ông là người có nhiều cống hiến trong việc đặt nền móng xây dựng hệ thống công thương nghiệp quốc doanh mới, đưa tư tưởng mở cửa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thực tiễn cuộc sống.

Nhằm khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, ông chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và hoạt động ngoại thương với nước ngoài, dựa vào sự giúp đỡ của các nước XHCN, tổ chức nhiều cuộc đàm phán với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN Đông Âu về trao đổi mậu dịch và viện trợ xây dựng các công trình công nghiệp, giao thông vận tải, hạ tầng cơ sở kinh tế của đất nước.

Ông đã trực tiếp tham gia đàm phán về Hiệp định Thương mại với Chính phủ Cộng hòa Pháp (cuối năm 1955), Ấn Độ (cuối năm 1956), Indonesia (đầu năm 1957) và nhiều nước khác. Ông cũng là người chủ trương tổ chức hệ thống các tổng công ty xuất nhập khẩu theo mô hình Nhà nước độc quyền ngoại thương. Đây là hình thức tổ chức ngoại thương thích hợp trong thời kỳ chiến tranh, đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm sau đó.

Sau này với trọng trách Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đặng Việt Châu được coi là người đưa tư tưởng mở cửa của Hồ Chủ tịch vào đổi mới kinh tế. Theo GS. Lưu Văn Đạt (nguyên Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - PV), người được Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo một văn bản pháp luật tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trực tiếp làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam (Điều lệ đầu tư 1977), “Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu là người có ý tưởng đầu tiên về việc đưa ra một văn bản pháp luật quy định về chuyện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài” .

Đồng thời, Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu cũng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước hữu quan soạn thảo các văn bản về thuế lợi tức đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; về thuế, lương bổng đối với những người lao động tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; về quy chế lao động đối với người lao động Việt Nam làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; về thủ tục đầu tư v.v...

Có thể coi, Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977 (tạo cơ sở cho Luật Đầu tư nước ngoài ra đời) là một bộ luật kinh tế tương đối hoàn chỉnh đầu tiên được ban hành ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, một công trình pháp luật có tầm vóc chiến lược, ý nghĩa lịch sử, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu, người chỉ đạo, đồng thời tham gia thiết kế về nội dung và hình thức văn bản.

Nhà lãnh đạo tài chính có tầm nhìn chiến lược về vấn đề phân phối

Là người chiến sỹ cách mạng, việc gì có lợi cho dân, cho nước thì quyết làm đến cùng. Ngay trong hoàn cảnh bị giải đi phát vãng từ nhà tù Hỏa Lò đến nhà tù Sơn La trong gông cùm xiềng xích, đồng chí Đặng Việt Châu vẫn thả hồn vào cảnh sắc thiên nhiên đất nước và nghĩ đến ngày giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ, cả nước tập trung sức người, sức của xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế. “Từ bản Bông đến làng Luông, một bản người H’Mông ở trên núi, chúng tôi phải vượt một cái đèo khá cao. Chưa quen leo dốc, lại gặp trời mưa, tránh vũng nước thì lại đá cứa vào chân. Thật là gian khổ, áo quần sũng nước, nhưng chúng tôi tự bù lại là ngắm cảnh thiên nhiên khá đẹp, có những thác nước từ trên cao đổ xuống trắng xóa trên ngọn đồi. Mặc dầu chưa có sự hiểu biết cụ thể về thủy điện, chúng tôi tự nhiên cũng liên hệ đến nó, đến nguồn “than trắng” mà sách vở nhà trường có dạy đến” .

Trong những năm tháng bị tù đày tại nhà lao Sơn La, đồng chí Đặng Việt Châu cùng với các đồng chí, đồng đội của mình đã thành lập các tổ đội hợp tác sản xuất cung tiêu trong nhà tù và xây dựng các nguyên tắc tài chính hết sức chặt chẽ và hợp lý. Mô hình “hợp tác sản xuất cung tiêu trong nhà tù” có thể coi như tiền thân của tổ chức hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các tổ đội sản xuất xã hội chủ nghĩa sau này.

Những vấn đề lớn về tài chính như: tính chi phí sản xuất, chi phí mua nguyên liệu, chi phí cho bộ phận trực tiếp sản xuất, chi phí cho bộ phận tham gia tiêu thụ sản phẩm (bán hàng), phân phối lợi nhuận, trích lập quỹ… cũng đã được đề cập và vận dụng trong mô hình hợp tác sản xuất cung tiêu. “Ở Sơn La năm 1935 - 1936, do được đi làm, được tiếp xúc với binh lính, viên chức chính quyền và nhân dân phố Chiềng Lề, chúng tôi nhận thấy: Đây là một thị trường tiêu thụ, có thể sản xuất những thứ cần thiết mà đồng bào thiếu như rổ rá, đũa, chổi, thìa, nồi, xoong; những đồ trang sức như nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền hay đồ trang trí như hoa giấy, để bán lấy tiền cải thiện sinh hoạt… Những thứ hàng hóa và dịch vụ nói trên đã đem lại cho chúng tôi một thu nhập rất khá. Chỉ xem cái nhẫn bán được 1 hào rưỡi, cái vòng tay 2 hào rưỡi, cái dây chuyền 3 hào rưỡi, cái thìa múc canh chạm trổ hình con chim 2 hào, xoong nồi 2 hào 15 xu, công may quần 6 xu, áo 12 xu, cành hoa giấy 3 hào rưỡi, rổ rá 1 hào 8 xu; so với giá một con gà, một con vịt 12 xu, chục trứng 8 xu, quả chuối nửa xu thì thấy anh em chúng tôi, bằng sức lao động trong giờ nhàn rỗi của mình, đã giúp cải thiện sinh hoạt như thế nào. Nhưng lý thú hơn là trong khi trên toàn xã hội chưa có một mô hình về hợp tác xã nào, thì chúng tôi ở trong nhà tù đã sáng kiến ra hình thức hợp tác xã sản xuất và cung tiêu, đến bây giờ vẫn thấy những nguyên tắc về ăn chia đề ra là đúng. Người đi làm tìm được những nguyên liệu dễ kiếm như tre làm rổ rá, đũa thì được hưởng 10% giá trị sản phẩm bán ra, người sản xuất từ 45% đến 50%.

Gáo dừa cưa cắt theo kích thước để làm nhẫn, vòng tay, dây chuyền, thìa múc canh thì được hưởng từ 15% đến 20%, người sản xuất từ 50% đến 60%; công may thì hưởng 75% hay 80%; hoa giấy và sổ tay thì trừ giá mua nguyên liệu, người sản xuất được hưởng 50%. Người tiêu thụ sản phẩm nói chung được hưởng 10%. Còn bao nhiêu thì cho vào quỹ cứu tế chung phục vụ những anh em đau ốm”.

Mô hình “hợp tác sản xuất cung tiêu trong nhà tù” được các đồng chí Trần Quý Kiên (trưởng ban hợp tác xã), Đặng Việt Châu, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Hào Lịch, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Mạnh Hồng… thực hiện rất có hiệu quả trong thời gian bị lao tù ở Sơn La, nhờ đi làm có tiền cải thiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống, phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe để tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nguyên tắc phân phối trong mô hình “hợp tác sản xuất cung tiêu trong nhà tù” đã hiện thực hóa quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phân phối thu nhập đó là: đảm bảo phân phối công bằng, “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, phân phối theo đúng nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, trả công theo đúng sức lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm thì không hưởng, trừ người già, người ốm đau và trẻ con, đảm bảo có tích lũy để tái sản xuất sức lao động… Lao động trở thành điều kiện tất yếu để nhận được thu nhập. Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít. Lao động khó được phân phối nhiều, lao động dễ được phân phối ít. Lý luận phân phối theo lao động thừa nhận tồn tại sự khác biệt về thu nhập và phủ nhận sự phân phối bình quân. Thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động đảm bảo năng lực con người được phát huy cao nhất, giá trị con người được thực hiện toàn diện.

Là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, đồng chí Đặng Việt Châu đã có nhiều cống hiến rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc xây dựng nền Tài chính cách mạng Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại. Hình ảnh vị Bộ trưởng luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sắc các vấn đề thực tiễn tài chính gắn với sản xuất, phân phối, tiết kiệm, lưu thông, thu hút đầu tư, tiếp nhận viện trợ nước ngoài, tài chính hợp tác xã, tài chính doanh nghiệp… đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và nhiều bài học bổ ích cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Tài chính.

* Bài viết trích trong cuốn sách "Đồng chí Đặng Việt Châu: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng".