Nhà nước hay thị trường quyết định giá cả hàng hóa thiết yếu?
Việc để Nhà nước hay thị trường quyết định giá cả hàng hóa thiết yếu không phải là câu hỏi dễ trả lời. Thái độ lưỡng lự của người dân khi vừa ủng hộ nền kinh tế thị trường, lại vẫn mong muốn có sự can thiệp của Nhà nước đối với các mặt hàng thiết yếu, cho thấy nhiều vấn đề trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
89% ý kiến ủng hộ nền kinh tế thị trường
Theo Báo cáo “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam (CAMS) năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát và công bố hôm qua, 89% ý kiến phản hồi khảo sát ủng hộ nền kinh tế thị trường song vẫn muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với khảo sát của năm 2011. Trong khi đó, chỉ có 23% trong tổng số 1.600 người trả lời ủng hộ việc giá cả hàng hóa thiết yếu nên được quyết định bởi các lực lượng thị trường như cung, cầu và không nên có sự can thiệp của Nhà nước.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, kết quả này phần nào cho thấy việc vận hành nền kinh tế thị trường ở nước ta chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội như tạo cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ... và làm cho người dân có tâm lý mong chờ sự can thiệp của Nhà nước. Hơn nữa, kết quả này còn có khả năng xuất phát từ việc người dân thiếu niềm tin vào thị trường, e ngại tình trạng độc quyền thậm chí tăng cao hơn trước, khi mà trên thực tế rất nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay can thiệp của Nhà nước và do Nhà nước độc quyền như điện, nước, xăng dầu, thuốc...
Nhìn nhận về mâu thuẫn trong cảm nhận của người dân, vừa tin tưởng và kỳ vọng vào kinh tế thị trường; vừa muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, kinh tế nước ta còn nặng nếp nghĩ bao cấp, với thói quen được Nhà nước lo toan cho cộng đồng xã hội. Hơn nữa, vừa qua, nền kinh tế có nhiều bất ổn với nhiều rủi ro thị trường, nhiều rủi ro chính sách, chưa kể những mối đe dọa từ thiên tai, địch họa… Trong khi đó, nền kinh tế thị trường vận hành chưa tốt nên người dân vẫn trông chờ vào Nhà nước. Trong những tình huống đó, truyền thông cũng thường đồng loạt kêu gọi sự can thiệp của Nhà nước và bản thân Nhà nước cũng hào hứng lo toan. Tới đây, Nhà nước cần tránh để người dân kỳ vọng quá nhiều vào bàn tay lo toan của mình.
Nhà nước không nên thả nổi hoàn toàn...
Có thể thấy rằng, sự ngại ngần của người dân cho thấy thực tiễn vận hành của nền kinh tế thị trường thời gian qua chưa dành được trọn vẹn sự tin tưởng của người dân. Theo Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Đức Độ, người dân tin tưởng vào sự ưu việt của kinh tế thị trường, nhưng họ chưa tin tưởng vào các doanh nghiệp trên thị trường. Trong ngắn hạn, Nhà nước đã can thiệp vào giá của các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu…
Song về dài hạn, Nhà nước cần can thiệp vào thị trường thông qua việc thiết lập tính cạnh tranh hơn cho thị trường xăng dầu, thị trường điện, minh bạch hơn về mặt chi phí. Như vậy mới làm tăng sự tin tưởng của người dân vào thị trường. Báo cáo CAMS 2014 đã nhận định, với các hàng hóa thiết yếu, việc quyết định thả nổi giá theo thị trường cần phải thực hiện hết sức cẩn trọng bởi trên thực tế, những biến động giá cả hàng hóa thiết yếu diễn ra vừa qua vẫn theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng trong xã hội. Do đó, Nhà nước không nên thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định giá cả hàng hóa thiết yếu khi chưa có cơ chế vận hành tốt - một cơ chế vận hành tạo sự minh bạch, cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh trong xã hội.
Cảm nhận của người dân cũng cho thấy tình trạng lưỡng thể trong nền kinh tế còn cao, với sự hiện diện của cả nhân tố Nhà nước ta và thị trường. Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của nước trong năm 2014 là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm…
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, những kết quả khảo sát của CAMS 2014 đã cho thấy những cải cách mà nước ta đang thực hiện là phù hợp với yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Song, người dân cũng đã nhìn thấy hệ thống kinh tế thị trường chưa hoàn thiện làm cho những mặt tốt của thị trường dường như chưa thật sự được phát huy, trong khi những khiếm khuyết lại chậm được kiểm soát và khắc phục. Trong điều kiện đó, có thể thấy, giải pháp căn bản không phải là gia tăng can thiệp của Nhà nước mà chính là đẩy mạnh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tránh tình trạng mắc kẹt giữa hai hệ thống vận hành kinh tế.