Quản lý nhà nước về nhượng quyền thương mại và một số khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 kỳ 2-2015

Nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh rất phổ biến trong nền kinh tế thị trường tự do hiện đại và rất phát triển ở các nước như: Mỹ, Úc, Cộng đồng chung châu Âu... Tại Việt Nam, nhượng quyền thương mại nước ngoài chính thức thâm nhập vào năm 2007 và bắt đầu sôi động từ đó cho đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Nhượng quyền thương mại (NQTM) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá. Đây là một hoạt động rất phổ biến trong nền kinh tế thị trường tự do hiện đại. Tại Việt Nam, hình thức này rất phổ biến với sự xuất hiện của các thương hiệu lớn như: Coffe Bean, KFC, Lotteria…

Hoạt động NQTM tại Việt Nam chính thức sôi động kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi hành lang pháp lý vận hành hoạt động của doanh nghiệp (DN) khá đầy đủ, mang chuẩn mực quốc tế. Tính đến giữa tháng 05/2015 chỉ có 135 thương hiệu nước ngoài đến từ 21 quốc gia đăng ký nhượng quyền tại Việt Nam. Các thương hiệu này chủ yếu thuộc lĩnh vực nhà hàng, thời trang và giáo dục. Tuy nhiên, một số ngành kinh doanh ở nước ngoài rất phát triển như NQTM trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ khai thuế, kiểm toán, kinh doanh giải trí, rạp phim, cơ sở Karaoke… nhưng ở Việt Nam chưa có.

NQTM của Việt Nam ra nước ngoài đã bắt đầu từ năm 2007. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong năm 2007 có 03 DN đăng ký nhượng quyền ra nước ngoài. Tuy nhiên, từ 16/12/2011 các DN nhượng quyền ra nước ngoài không phải đăng ký nữa, chỉ thực hiện báo cáo cho Sở Công Thương. Thực tế, cơ quan Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể nào để kiểm soát việc báo cáo này nên không có số liệu thống kê cụ thể. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một DN đăng ký tại Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh.

Để phát triển NQTM, điều quan trọng nhất là hành lang pháp lý cho hoạt động này. Thời gian qua, các quy định pháp luật cho hoạt động NQTM đã và đang được Nhà nước hoàn thiện. Ngoài những quy định cốt lõi về NQTM (Mục 8 Chương VI - từ Điều 284 đến Điều 291) trong Luật Thương mại 2005, các văn bản được ban hành mới nhất liên quan đến hoạt động NQTM là văn bản số 15/VBHN-BCT ngày 25/04/2014 của Bộ Công thương. Đây là văn bản hợp nhất của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM, có hiệu lực kể từ ngày 26/4/2006 và Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại có hiệu lực từ ngày 01/02/2012. Nội dung của văn bản này cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý và đạt được một số chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền phải hoạt động ít nhất 01 năm. Trường hợp nhượng quyền trong nước hoặc nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, bên nhượng quyền không cần phải đăng ký nhượng quyền, chỉ bắt buộc đăng ký với hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN NQTM Việt Nam phát triển thị trường trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế. Nhìn chung, hệ thống pháp luật NQTM ở Việt Nam tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế sau:

- Chưa bao quát hết các hình thức NQTM.

- Chưa thực sự bảo vệ Bên nhận quyền đối với trường hợp nhượng quyền trong nước.

- Chưa ban hành các văn bản pháp lý về xử phạt đối với các vi phạm về NQTM.

- Các quy định pháp luật vềNQTM chủyếu chỉmới giới hạn trong phạm vi điều chỉnh đối với Bên nhượng quyền.

Tóm lại, cùng với sự phát triển hoạt động NQTM ở Việt Nam, hệ thống pháp luật NQTM ngày càng hoàn thiện, mang tính hội nhập cao. Tuy nhiên, để NQTM phát triển nhanh hơn và chất lượng hơn, Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn, khắc phục các tồn tại nêu trên.

Thực trạng tại TP.Hồ Chí Minh

Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đăng ký hoạt động NQTM trong nước cho 16 DN. Ngoài ra, qua thông tin liên hệ của DN, Sở Công Thương cho biết, sau khi Nghị định 120/2011/NĐ-CP có hiệu lực 01/02/2012, đã có thêm hơn 20 DN hoạt động NQTM trong nước. Ngoài ra, có thể có một số lượng không nhỏ các thương nhân đang hoạt động NQTM trong nước mà cơ quan này chưa có công cụ để nắm bắt thông tin do quy định bãi bỏ việc đăng ký hoạt động NQTM như đã nêu trên. Mặc dù, Thông tư 09/2006/TT-BTM và Nghịđịnh 120/2011/NĐ-CP có nêu: Các hoạt động NQTM trong nước không phải thực hiện thủ tục đăng ký, mà thay vào đó là thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công Thương chậm nhất là ngày 15/01 hàng năm. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được tuân thủ đầy đủ, cụ thể, tính đến 15/01/2015, chỉ có 05 DN gửi báo cáo đến Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đối với hoạt động NQTM trong nước, nhìn chung còn lỏng lẻo, biểu hiện:

- Do các DN chưa tuân thủ việc thông báo, báo cáo cho cơ quan Nhà nước; cộng với việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động NQTM chưa được thực hiện thường xuyên (mặc dù hằng năm Bộ Công Thương và Sở Công Thương đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các DN hoạt động NQTM); chưa có cuộc điều tra, khảo sát chính thức nào được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động NQTM trên địa bàn Thành phố, nên chưa nắm bắt thông tin về các DN một cách kịp thời và đầy đủ, phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

- Mặc dù là địa phương có hoạt động NQTM lớn nhất nước cả về NQTM trong nước và quốc tế (hầu hết các thương hiệu nước ngoài đều hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh), nhưng sự phát triển chủ yếu mang tính tự phát, có chăng là việc bãi bỏ thủ tục đăng ký hoạt động NQTM trong nước đã đóng góp một phần nhỏ cho sự mạnh dạn đầu tư kinh doanh theo phương thức NQTM đối với các DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, Thành phố chưa có cơ chế, chính sách, cũng như định hướng nào cụ thể, mang tính đặc thù để khuyến khích hoạt động này phát triển.

- Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động NQTM trên địa bàn Thành phố liên quan đến nhiều Sở Ban ngành: Sở Công thương, Sở Y tế (quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm), Sở Khoa học và Công nghệ (quản lý đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu), Sở Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp), Cục Thuế, Cục Thống kê nhưng Thành phố chưa xây dựng được cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan này, khiến công tác quản lý hoạt động NQTM bị buông lỏng. Việc rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các DN kinh doanh NQTM gặp khó khăn do thiếu thông tin, đồng thời cũng tạo sự không công bằng giữa các DN đã và chưa từng làm thủ tục liên quan tại các cơ quan Nhà nước.

- Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của bên nhận quyền cũng chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt liên quan đến các quy định về điều kiện thương nhân được phép nhận quyền thương mại, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên dự kiến nhận quyền, vấn đề chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền cho bên dự kiến nhận quyền khác (trường hợp NQTM độc quyền – Master franchise, NQTM vùng – Regional franchise), sự tuân thủ các quy định liên quan đến việc kinh doanh theo phương thức NQTM…

Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có yếu tố quốc tế

Việc chấp thuận đăng ký hoạt động NQTM có yếu tố quốc tế do Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương phụ trách. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chưa thiết lập được cơ chế phối hợp quản lý hoạt động. Điều đó dẫn đến, việc sau khi cấp Thông báo chấp thuận đăng ký hoạt động NQTM cho các thương hiệu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, cả hai đơn vị này đều không nắm được tình hình thực tế hoạt động NQTM có yếu tố quốc tế diễn ra trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, việc quy định phân cấp quản lý hoạt động NQTM từ Việt Nam ra nước ngoài cho Bộ Công Thương, nhưng các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công Thương là chưa hợp lý. Từ năm 2012 đến nay, mới có 01 đơn vị có thông báo hoạt động cho Sở Công thương về nhượng quyền ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sự thiếu thông tin và thẩm quyền để quản lý khiến cho hoạt động quản lý nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh thực sự gặp khó khăn.

Một số giải pháp kiến nghị

Thứ nhất, Nhà nước cần cải tiến về thể chế, pháp luật NQTM. Thực tế các quy định pháp luật về hoạt động NQTM ngày càng trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là các DN trong nước) hoạt động. Tuy nhiên, việc nới lỏng không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý vì 03 lý do sau đây: (1) Năng lực quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế; (2) Năng lực hoạt động của các DN Việt Nam (cả Bên nhượng quyền lẫn bên nhận quyền) cũng còn hạn chế, kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn phát sinh; (3) Lĩnh vực NQTM là một hoạt động thương mại đặc biệt, liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ, chuyển giao bí quyết kinh doanh, truyền bá các yếu tố văn hóa truyền thống của quốc gia… nên cần được quản lý và định hướng cho phù hợp.

Thứ hai, UBND Thành phố cần tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động NQTM trên địa bàn. Qua đó, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách liên quan để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả; tổ chức khảo sát, kết hợp hội thảo về hoạt động NQTM tại Thành phố nhằm nắm bắt được tình hình hoạt động NQTM của các DN trên địa bàn, thăm dò khả năng phát triển thêm các DN hoạt động trong lĩnh vực NQTM trong tương lai, và lấy ý kiến DN để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ. Khi xây dựng chính sách hỗ trợ, cần có sự tách biệt về chiến lược phát triển giữa NQTM trong nước và NQTM ra nước ngoài, thực hiện rà soát, lựa chọn một số ngành hàng chủ lực mà các DN Thành phố có lợi thế để đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ. Việc lựa chọn ngành hàng có thể theo tiêu chí các DN đã xây dựng được thương hiệu quốc gia hay những lĩnh vực mà Thành phố có định hướng khuyến khích đầu tư, phát triển thương hiệu trong giai đoạn những năm tiếp theo.

Thứ ba, thành lập Hiệp hội NQTM TP. Hồ Chí Minh với sự gắn kết chặt chẽ về mặt lợi ích giữa các DN hội viên – Chủ tịch Hội – Chính quyền Thành phố. Muốn vậy, phải tạo cơ chế thoáng tối đa cho Hội hoạt động; nhưng đồng thời phải gắn kết thường xuyên hoạt động của Hội với chính quyền Thành phố (thông qua Sở Công Thương) với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các thành viên Hội; lồng ghép nội dung phát triển NQTM vào các chủ trương, chính sách lớn của Thành phố như: Quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch định hướng phát triển hệ thống kênh phân phối, chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chương trình tập huấn, huấn luyện chuyên đề về thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, quản trị DN, quản lý sản xuất, quản trị nguồn nhân lực cho các DN vừa và nhỏ… Có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các DN xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội DN Thành phố và Hội NQTM Thành phố xây dựng tiêu chuẩn, xem xét lựa chọn DN đạt chuẩn để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho DN xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hành hóa đạt kết quả, tương tự như hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng ISO, HACCP...

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin NQTM. Cụ thể, trang Website của Sở Công Thương không những cung cấp các thông tin về cơ chế quản lý NQTM ở Việt Nam, những quy định đặc thù về hoạt động NQTM trên địa bàn Thành phố mà còn cần giới thiệu các thông tin về các mô hình NQTM, cách thức vận hành và quản lý, kinh nghiệm kinh doanh thành công và thất bại trên cương vị Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền… Bên cạnh đó, cần chú ý tham gia hỗ trợ tổ chức triển lãm Hội trợ, triển lãm về NQTM. Tại TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ NQTM được tổ chức thường niên tại quận 7 trong suốt 6 năm qua mà không có sự tham gia của Sở Công Thương hoặc cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ có tham gia trực tiếp vào tổ chức Hội chợ thì cơ quan quản lý Nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh mới đưa ra các quyết sách tốt, hỗ trợ cho hoạt động NQTM phát triển.