Nhà tái định cư: Làm thế nào để quản lý, vận hành tốt hơn?
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều khu nhà tái định cư có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành trong thực tế lại chưa thực sự hiệu quả. Bài toán quản lý vận hành nhà tái định cư tại Hà Nội dường như chưa có lời giải.
Rất nhiều bùng nhùng, bất cập
Theo tìm hiểu, Hà Nội hiện có hàng trăm tòa nhà tái định cư đang vận hành, hoạt động với hàng ngàn căn hộ đã được bàn giao đến người dân sử dụng từ nhiều năm nay. Đa phần tập chung ở những quận như Cầu Giấy, Hoàng Mai…
Những nhà tái định cư trên được giao cho các đơn vị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico)… quản lý, vận hành.
Khi cư dân ổn định sinh sống cũng là lúc những vấn đề bất cập cũng bắt đầu nảy sinh như tòa nhà xuống cấp, nhếch nhác, hàng quán bày bán bừa bộn xung quanh các tòa nhà gây mất vệ sinh… Rồi tình trạng thiếu nước sinh hoạt, xuống cấp về chất lượng… cũng đã xuất hiện tại nhiều khu nhà tái định cư.
Hàng loạt các vấn đề trên đã được người dân phản ánh đến các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Điển hình là sự cố sụt lún nền sảnh tầng 1 tòa nhà N5, khu chung cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Sự việc trên đã khiến người dân sinh sống tại khu tái định cư này vô cùng hoang mang về chất lượng nhà tái định cư đồng thời cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng về công tác quản lý, vận hành đảm bảo chất lượng cho nhà tái định cư hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Hay như trường hợp xuống cấp, nhếch nhác, mất vệ sinh, mỹ quan của nhà N5B Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, khu nhà tái định cư này đã có dấu hiệu xuống cấp, tường lở, rộp, bong tróc. Cùng với đó là việc chiếm dụng không gian chung ở các tầng. Cầu thang bị chiếm dụng làm làm nơi chứa đồ, phơi quần áo, để chậu hoa, bình cứu hỏa. Xung quanh tòa nhà là rất nhiều hàng quán bủa vây, chiếm dụng không gian, diện tích chung khiến cho khu tái định cư này trở nên lộn xộn, nhếch nhác, bẩn thỉu trong suốt một thời gian dài.
Gần đây nhất, chung cư N02 Láng Thượng (quận Đống Đa) bất ngờ bục vỡ bể nước trên nóc tòa nhà khiến tòa nhà ngập trong nước. Được biết, tòa nhà N02 Láng Thượng là chung cư tái định cư 11 tầng với 120 căn hộ và hơn 1000 nhân khẩu do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, vận hành.
Đó chỉ là một số vụ việc điển hình trong số rất nhiều các khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang tồn tại những bất cập không dễ gì giải quyết. Trong khi đó, các đơn vị quản lý, vận hành lại luôn than thở về những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý vận hành các nhà tái định cư hiện nay, như phí dịch vụ thấp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế…
Nên để tư nhân cùng quản?
Bàn về vấn đề quản lý, vận hành nhà tái định cư, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng: Để giải quyết căn cơ vấn đề trên thì cần có sự trách nhiệm, chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của thành phố, đơn vị quản lý vận hành, người dân sinh sống tại tòa nhà.
“Trước tiên cần phải bàn đến trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành. Bởi các đơn vị này là đơn vị trực tiếp đứng ra quản lý điều hành chịu trách nhiệm về an toàn cho cư dân. Hơn nữa, đa số người dân sống tại các khu tái định cư là do thành phố điều chuyển người dân từ các khu vực giải phóng đền bù giải toả.
Vậy nên, thành phố cần có trách nhiệm với những nơi định cư mới của người dân về tính an toàn, chất lượng xây dựng cho nơi cư trú mới, bảo đảm về mỹ quan, an ninh, các dịch vụ sống cho người dân... Thành phố xây dựng các khu tái định cư thì thành phố phải đảm bảo người dân có thể sống lâu dài tại các toà nhà này chứ không thể bàn giao cho người dân sau đó ít năm đã xuống cấp và kém an toàn cho người dân.
Mặt khác, thành phố cũng cần có những quỹ bảo trì để hỗ trợ các chung cư khi xuống cấp được sửa chữa kịp thời. Cư dân sinh sống trong các khu tái định cư cũng cần biết tự bảo vệ mình và đưa ra những ý kiến kịp thời nhất đến các cơ quan chức năng của thành phố, ban quản lý... để việc giữ gìn an toàn, mỹ quan cho khu chung cư mình ở tốt nhất. Các cư dân cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ bảo vệ và làm đẹp hơn cho nơi mình sống. Và họ cũng cần đóng một mức phí đủ để đơn vị quản lý vận hành có ngân sách trong việc vệ sinh, bảo dưỡng, giữ hình ảnh cho toà nhà..” - ông Quyết phân tích.
Ở góc nhìn quản lý, vận hành trực tiếp các nhà tái định cư hiện nay, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - HANDICO) cũng thẳng thắn thừa nhận: Muốn quản lý, vận hành tốt được các nhà tái định cư thì phải có cơ chế và kinh phí thì mới thực hiện được. Đồng thời, cũng cần phải có hành lang, cơ sở pháp lý cụ thể đầy đủ mới làm, thực hiện được. Hiện mức phí thu từ phía người dân 30.000đ/hộ và kể cả phí bảo trì 2% rất thấp, không đáp ứng được công tác quản lý, vận hành.
Ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cũng cho biết, cái khó khăn của công tác vận hành, quản lý nhà tái định cư hiện nay là mức thu phí thấp và thu theo quyết định mới thì rất khó thu vì dân không có điều kiện, trong khi đó các khoản thu lại không đủ chi. Mặc dù đơn vị đã họp dân, phối hợp với chính quyền tuyên truyền.
Bình luận về việc hướng quản lý nào sẽ tốt hơn đối việc vận hành các nhà tái định cư, ông Vũ Cương Quyết đưa ra quan điểm: Muốn việc quản lý vận hành được minh bạch hơn và đơn vị quản lý cần có trách nhiệm hơn với người dân thì nên để cho các đơn vị vận hành, quản lý tư nhân được tham gia vào việc đấu thầu quản lý toà nhà. Quan trọng nhất là đơn vị quản lý phải được người dân tự quyết định lựa chọn.