Nhân dân tệ “thách đấu“ USD

Theo ANTĐ

Đồng Nhân dân tệ trên con đường trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế sẽ gặp phải nhiều đối thủ sừng sỏ, trong đó nặng ký nhất là đồng USD của Mỹ.

Phát biểu tại hội thảo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 14-1 tại Manila (Philippines), ông Barry Eichengreen - chuyên gia thuộc Trường Đại học California (Mỹ) - cho rằng, Trung Quốc đã đạt được điều kiện đầu tiên trong 3 điều kiện tiên quyết của tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT). Đó là quy mô trong thanh toán quốc tế và còn thiếu 2 điều kiện là khả năng thanh toán và tính ổn định.

Theo chuyên gia từng là cố vấn cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) này, một đồng tiền được xem là có khả năng thanh toán quốc tế khi nó được sử dụng rộng rãi cả trong buôn bán tư nhân lẫn giao dịch tài chính và được các ngân hàng trung ương dự trữ, tức là phải đáp ứng đủ ba yếu tố cần và đủ là quy mô, khả năng thanh toán và tính ổn định.

Kinh tế Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, các nhà hoạch định chính sách của nước này đã xúc tiến kế hoạch đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế. Kế hoạch đầy tham vọng này được chính thức khởi động ngày 25-12-2008 khi Trung Quốc tuyên bố sẽ thử nghiệm sử dụng đồng NDT trong giao dịch với các nền kinh tế láng giềng.

Sau tuyên bố trên, từ tháng 4-2009, Trung Quốc bắt đầu triển khai thí điểm sử dụng đồng NDT trong thanh toán thương mại quốc tế tại Thượng Hải và 4 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quan. Đây cũng chính là những trung tâm thương mại, giao dịch lớn bậc nhất của Trung Quốc với các khách hàng trên toàn thế giới.

Triển khai kế hoạch đưa NDT thành đồng tiền thanh toán quốc tế, Trung Quốc đã cho phép các công ty trong nước sử dụng NDT để thanh toán cho các hoạt động mậu biên cũng như chấp nhận cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các quỹ tính bằng đồng NDT. Đặc biệt, Trung Quốc tiến hành ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước như Hàn Quốc, Australia, Ukraine, Brazil... và đặc biệt là Nhật Bản nhằm tăng việc sử dụng đồng NDT trong hệ thống thanh toán quốc tế.

Trước “sức nặng” của NDT, nhiều ngân hàng thương mại quốc tế lớn như HSBC, Standard Chartered, Citigroup, JPMorgan... đã áp dụng các ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng đồng NDT thay vì đồng USD trong giao dịch thương mại. Trong khi đó, ngân hàng Trung ương của nhiều nước đã đưa đồng NDT vào “rổ” dự trữ ngoại tệ.

Con đường trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế của NDT đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trái phiếu bằng đồng NDT với trị giá 500 triệu NDT, tương đương 76 triệu USD, hồi tháng 1-2012. Động thái này đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của mình trên các thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Eichengreen, cho dù đồng USD và Euro đang suy yếu vì suy giảm kinh tế và nợ công song đồng NDT sẽ còn phải trải qua chặng đường dài hàng chục năm với nhiều thách thức để trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế. Trung Quốc sẽ phải nỗ lực rất nhiều để NDT đủ sức "đấu" với đồng Yên (Nhật Bản), Bảng (Anh), rồi Euro, chứ chưa nói tới đối thủ nặng ký nhất là đồng USD.