Nhân dân tệ tham gia SDR: Điều gì sẽ xảy ra?
Sau thời gian chờ đợi, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận đủ điều kiện để đưa vào “giỏ” tiền tệ quốc tế, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đây là kết quả của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Song, việc công nhận NDT là đồng tiền dự trữ quốc tế tại thời điểm này có thể là sai lầm...
Trong thông báo của IMF, cơ quan này cho biết, đồng NDT đã đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn hiện hành để trở thành một trong những đồng tiền dự trữ quốc tế. Quyết định này của IMF sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1.10.2016.
Động thái này được xem là một sự thừa nhận những tiến bộ về tài chính và kinh tế của Trung Quốc sau nhiều năm cải cách. Tuy nhiên, theo Giáo sư Benjamin J.Cohen, chuyên gia kinh tế - chính trị quốc tế thuộc Đại học California, Mỹ, quyết định trên của IMF không có sự chứng minh thật sự về mặt kinh tế mà chỉ mang tính chính trị, nên sẽ dẫn đến hệ quả đáng tiếc trong dài hạn. Ngay cả về mặt kỹ thuật, cách thức kết nạp đồng NDT cũng đáng bị phê phán.
IMF cho đến nay chỉ dựa trên 2 tiêu chí, trong đó quốc gia phát hành ngoại tệ phải là một nước xuất khẩu lớn. Trung Quốc đã đáp ứng được tiêu chí này. Tuy nhiên, Trung Quốc không hội đủ được điều kiện thứ hai là đồng tiền của Trung Quốc phải có thể được sử dụng và thương lượng trên diện rộng.
Trên thực tế, đồng NDT vẫn còn xa mới ngang hàng được với 4 đồng tiền dự trữ quốc tế hiện nay là USD, euro, bảng Anh và yen Nhật. Đồng NDT trong năm 2014 đứng thứ 7 trong kho dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương, đứng thứ 8 trên phương diện phát hành công trái ở cấp độ quốc tế và thứ 11 trong các hoạt động giao dịch ngoại tệ. Hơn nữa, đồng NDT vẫn chưa thể hoán đổi được trong phần lớn các giao dịch tài chính. Thị trường tài chính Trung Quốc còn rất sơ khai và vẫn do nhà nước ấn định tỷ giá hối đoái.
Để thuyết phục IMF và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã tung ra các chiến dịch như: thả lỏng tỷ giá hối đoái, phát hành trái phiếu yết giá bằng đồng NDT tại London, Anh, dự kiến mở nhiều cuộc thương thuyết mới để đưa đồng NDT vào các trung tâm tài chính châu Âu và nhất là cho thấy khả năng giáng trả trong trường hợp có những quyết định tiêu cực.
Kể từ nửa cuối năm 2015, cơ quan hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách tài chính theo hướng thị trường hóa, hoàn thiện cơ chế hình thành giá trung gian tỷ giá đồng NDT, nâng cao tính co dãn tỷ giá đồng NDT; cơ bản thực hiện thị trường hóa lãi suất, mở cửa ở mức độ lớn thị trường trái phiếu và thị trường ngoại hối giữa các ngân hàng trong nước; tăng thêm phát hành trái phiếu với trị giá tính bằng đồng NDT không phải do cá nhân hoặc công ty Trung Quốc phát hành, đồng thời phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng NDT trên thị trường ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Những biện pháp này đã thể hiện rõ nét nỗ lực của Trung Quốc đẩy nhanh thực hiện chính sách mở cửa thị trường tài chính.
Giáo sư Cohen cho rằng, quyết định của IMF đưa đồng NDT vào SDR có thể tạo tiền lệ đáng ngại, khi chỉ xem xét đến khía cạnh chính trị trong một lĩnh vực đòi hỏi các yếu tố kinh tế khách quan là chính. Trong dài hạn, thành công của Trung Quốc rất có thể khuyến khích nhiều nước khác như Thụy Sĩ, Canada, Nga hay Ấn Độ… gây áp lực để hội nhập đồng nội tệ vào “giỏ” tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, “yếu tố chính trị” này cũng có mặt tích cực.
Trung Quốc hiện đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được dự báo đến hết thập kỷ này nhiều khả năng sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, nhu cầu về đồng NDT trong thanh toán và giao dịch quốc tế sẽ tăng mạnh, và đến lúc đó đồng NDT sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của IMF.
Việc đưa đồng NDT vào “giỏ” các đồng tiền mạnh là xu thế tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Vấn đề đặt ra đối với đồng NDT là đồng tiền này chưa hoàn toàn được chuyển đổi tự do như các ngoại tệ chủ chốt khác, trong khi thanh khoản lại hạn chế. Bên cạnh đó, còn có mối lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Trong bối cảnh Bắc Kinh vừa mới bơm gần 500 tỷ USD để cứu thị trường chứng khoán theo một quy cách bị đánh giá là phi tự do về phương diện kinh tế, bất cứ ai có ý định dự trữ đồng NDT cũng cần thận trọng nếu không muốn mất đi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ của quốc gia.