Nhân dân tệ thành tiền tệ dự trữ lớn thứ ba của Nga
(Tài chính) Ngân hàng trung ương Nga cho biết nhân dân tệ Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba, song song với đô la Mỹ và euro châu Âu.
Nhà kinh tế trưởng Yevgeny Gavrilenkov của Ngân hàng thương mại Sberbank (Nga) cho biết như trên hồi cuối tuần sau khi Mỹ áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, bao gồm biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga.
Ngày 21/3, hệ thống thanh toán quốc tế Visa và Mastercard cho biết sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán nước ngoài cho Ngân hàng Rossiya và ba ngân hàng khác của Nga bị trừng phạt.
Các ngân hàng Nga bị trừng phạt có thể sẽ giải quyết vấn đề thanh toán nước ngoài thông qua sử dụng hệ thống UnionPay của Trung Quốc.
Trong thực tế, Nga "ôm" nhân dân tệ có thể không chỉ vì lệnh trừng phạt của phương Tây.
Cuối tuần qua, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc - diễn đàn kinh tế cấp cao được tổ chức bởi Chính phủ Trung Quốc - Phó Thủ tướng thứ nhất của Trung Quốc Trương Cao Lệ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và giám đốc điều hành (CEO) các công ty hàng đầu trên toàn thế giới cho rằng nhân dân tệ có thể trở thành tiền tệ dự trữ lớn thứ ba thế giới trong tương lai.
Dự báo trên dựa trên trình độ phát triển kinh tế của Trung Quốc. Có thể trong một thời gian ngắn nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng trưởng với quy mô lên đến 14.000-16.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương với GDP của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, chứng khoán Trung Quốc hấp dẫn hơn cho các quốc gia thặng dư, đặc biệt là các nước Trung Đông, trong khi Trung Quốc khẳng định sẽ đảm bảo sự an toàn tài sản tài chính.
Một số nhà phân tích của Reuters cho biết nhiều năm đàm phán cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc của Nga dường như sắp có kết quả. Giao dịch này sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc vào tháng 5-2014, đồng nghĩa với việc Nga nói với thế giới rằng Nga đang nhìn về phía đông, không cần liên kết với thế giới phương Tây.