Nhận diện các khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Thanh Tú

Ngày 28/12/2023, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo “Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024”. Các tham luận, ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo đều có chung nhận định, nhờ thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, kinh tế Việt Nam ước vẫn đạt mức tăng trưởng 5%, tuy nhiên, về tổng thể, nền kinh tế vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng khoảng 5%, thấp hơn dự kiến, nhưng so với các nước đây lại là mức tăng trưởng khả quan. Việc nhìn nhận những khó khăn, thách thức của năm 2023 từ đó để tìm ra các giải pháp cho năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, để phục vụ cho công tác điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023, lạm phát cao, lãi suất toàn cầu tăng, sự suy giảm, thậm chí là suy thoái tăng trưởng ở nhiều nước, trong đó có các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, là những yếu tố tác động từ bên ngoài tới kinh tế trong nước. Trong khi đó, ở trong nước, thách thức đến từ sự suy giảm, trầm lắng của các giao dịch một số phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng do yếu tố: siết chặt cho vay bất động sản, phát hành trái phiếu bất động sản và sử lý sai phạm chứng khoán... Tất cả đã tác động lên xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập của Việt Nam.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Sang đánh giá, một số yếu tố đã tạo ra tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trước bối cảnh tiêu cực toàn cầu, Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách nhằm chống đỡ các tác động tiêu cực từ bên ngoài như từ tăng lãi suất/siết chặt tiền tệ chuyển sang hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ; Hoãn, giãn trả nợ tín dụng, vay bất động sản, tăng room tín dụng; Thúc đẩy đầu tư công, rà soát, dỡ bỏ các rào cản thể chế bất động sản, xây dựng, giao thông bất hợp lý… Đặc biệt, một loạt các giải pháp tài chính hỗ trợ người dân và DN đã được thực hiện như miễn, giảm, giãn thuế, phí và tiền thuê đất.

Trao đổi tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa đã phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Nhờ thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, kinh tế Việt Nam ước vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 5%.

Tuy nhiên, nhận diện bối cảnh mới và dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu của các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra và kéo dài; rủi ro nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế bị thu hẹp.

Cùng với đó, một số thách thức cũng tạo áp lực cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế như sản xuất công nghiệp mặc dù được cải thiện nhưng không chắc chắn; lạm phát vẫn chịu sức ép tăng từ giá dầu; tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục suy yếu... 

Trước những khó khăn, thách thức đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo ở mức 5,5-6,5%. Tại Hội thảo, các đại biểu từ các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp tài chính mang tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, hướng tới phát triển bền vững; qua đó, tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Cụ thể để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu, cần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, góp phần giảm mặt bằng lãi suất…