Nhận diện điểm bứt phá của doanh nghiệp bảo hiểm

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đầu năm mới, ngoài việc chỉ ra những điểm thuận lợi cho sự phát triển của ngành Bảo hiểm, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), ông Phùng Đắc Lộc cũng thẳng thắn cảnh báo những thách thức đi kèm và những điểm cần lưu ý trong năm nay.

Nhận diện điểm bứt phá của doanh nghiệp bảo hiểm
Năm 2014, bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 120.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Bỏ “khúc xương rủi ro”

“Những khó khăn của năm 2013 vẫn tiếp tục tái diễn trong năm 2014. Nền kinh tế khó hấp thụ được vốn tín dụng, đầu tư và tiêu dùng chưa được cải thiện, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn đang trì trệ hoặc ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là cầu về bảo hiểm chưa cao, nhiều khách hàng của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm này có thể là khách hàng mới của DN bảo hiểm khác, đồng nghĩa với việc cuộc chiến tranh giành khách hàng bằng mọi giá vẫn tiếp tục tiếp diễn. Nếu không cẩn thận, khúc xương ‘rủi ro cao’ được DN bảo hiểm này quẳng đi thì bị DN bảo hiểm khác không may ôm phải. Bởi vậy, công tác tái cơ cấu DN bảo hiểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị điều hành, quản lý kinh doanh phải được triển khai rốt ráo trong năm 2014”, ông Lộc cảnh báo.

Không phải đến nay, vấn đề tái cấu trúc DN bảo hiểm mới được đặt ra nhưng theo các chuyên gia trong ngành, công tác này cần được cụ thể hóa một cách quyết liệt trên mọi mặt hoạt động như tái cơ cấu về vốn, sản phẩm, kênh phân phối, hệ thống mạng lưới… trong năm nay.

Tất nhiên, tái cơ cấu về vốn chủ sở hữu thông qua việc từ bỏ đối tác chiến lược, đối tác đầu tư (chiếm giữ cổ phiếu tỷ lệ lớn) của DN bảo hiểm có thể khiến họ mất khách hàng. Và trên thực tế, năm qua, một số DN bảo hiểm, đơn cử như Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) phải ứng phó với cảnh công ty mẹ là TKV thoái sạch vốn, dẫn đến việc BSH không còn là công ty bảo hiểm con của TKV nên rút cục phải tự bươn chải trên thương trường. Thậm chí, những thành viên của công ty mẹ TKV cũng chuyển sang mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm khác có năng lực cạnh tranh, chính sách khách hàng tốt hơn, thay vì BSH. Từ trường hợp này cho thấy, câu chuyện giữ khách hàng truyền thống sau thoái vốn càng thêm nóng.

Theo ông Lộc, công tác tái cấu trúc cũng cần hướng tới việc không để mất vốn vì kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm thua lỗ, đầu tư tài chính mất hoặc giảm vốn, nợ đọng phí bảo hiểm không thu hồi được. Bởi trên thực tế, đây từng là vấn nạn của các năm trước.

Tự tạo lối đi riêng

Liên quan đến tái cơ cấu về sản phẩm bảo hiểm, đại diện AVI cũng bày tỏ quan điểm: “Cần thể hiện rõ sự khác biệt về giá trị và đặc tính trong sản phẩm bảo hiểm của DN mình với DN bảo hiểm khác. Cụ thể, có sự phân biệt các đối tượng khách hàng chi tiết theo nghề nghiệp, tuổi tác, thu nhập để có sản phẩm phù hợp với các nhu cầu khác nhau. Cần đi vào những phân khúc thị trường theo nghiệp vụ bảo hiểm, đối tượng khách hàng, vùng địa lý, lãnh thổ… còn bỏ ngỏ, nhằm giảm được áp lực cạnh tranh, tạo ra sức khác biệt với các DN bảo hiểm khác”.

Trao đổi về khuyến cáo này, đại diện nhiều DN tỏ ra khá đồng tình, bởi sự sáng tạo trong thiết kế sản phẩm chính là phương án hữu hiệu để không chỉ đuổi kịp mà còn có khả năng vượt lên trên các DN đi trước. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận, để đạt được điều này không phải dễ.

Đại diện các DN bảo hiểm cũng cho rằng, cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu sản phẩm là tái cơ cấu kênh phân phối như đưa sản phẩm bảo hiểm đến tay người tiêu dùng kết hợp với tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, giải thích, tư vấn, kích cầu để khách hàng tiềm năng quyết định mua bảo hiểm. Phát huy và mở rộng các kênh phân phối: môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bancasurance, thương mại điện tử, bán hàng qua điện thoại...

Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu hệ thống mạng lưới chi nhánh văn phòng giao dịch, trung tâm dịch vụ, chăm sóc khách hàng cần đi liền với phân cấp, phân quyền, xây dựng hệ thống quy trình quản lý khai thác giám định bồi thường, phòng chống trục lợi bảo hiểm, kiểm tra, giám sát và kiểm soát nội bộ.             

“Năm 2014, bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 120.000 tỷ đồng”

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%, lạm phát dưới 7%, bội chi ngân sách 5,3% để tăng đầu tư công, phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (2014 - 2016) làm vốn đối ứng dự án ODA và thanh toán công trình đã hoàn thành. Đầu tư nước ngoài sẽ tăng cùng với số vốn đăng ký FDI năm 2013 là 21,6 tỷ USD sẽ được giải ngân mạnh trong năm 2014. Các dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, xây dựng các khu kinh tế Vũng Áng, Nghi Sơn, Phú Quốc, tàu điện ngầm… đang được triển khai.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại ở mức trên 2%, Nhật 2%, châu Âu 0,7%, nền kinh tế trong nước đang hồi phục, tăng trưởng tín dụng sẽ vượt 12%, thị trường bất động sản bắt đầu khởi động lại, thị trường chứng khoán sẽ có bước phát triển mới khi cổ phần hóa và rút vốn đầu tư trái ngành của doanh nghiệp nhà nước được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Ngoài ra, một số chính sách, chế độ của Nhà nước sẽ có tác dụng kích cầu bảo hiểm năm 2014 như: Tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm thiên tai...

Những yếu tố trên sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành bảo hiểm. Do đó, năm 2014, thị trường bảo hiểm dự kiến tăng trưởng với các chỉ tiêu chính: bảo hiểm phi nhân thọ là 10 - 11%, bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 15 - 16%, đầu tư vào nền kinh tế khoảng 120.000 tỷ đồng.