"Nhận diện" những thách thức cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Theo hãng nghiên cứu HIS, các yếu tố nền tảng tích cực đã xuất hiện để tạo đà cho nền kinh tế toàn cầu khởi sắc trong năm 2015 với mức tăng trưởng dự báo đạt 3%. Tuy nhiên, những diễn biến và thách thức xảy ra trong năm 2014 có thể sẽ gây những thách thức không nhỏ cho kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Giá xăng, dầu thế giới giảm và những hệ lụy

Ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định duy trì mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh. Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore hiện đang ở mốc dưới 90 USD/thùng. Từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 đến nay, thị trường dầu thô trải qua hai đợt giảm giá mạnh tính. Giá lập kỷ lục khoảng 140 USD/thùng vào giữa năm 2008 rồi nhanh chóng rớt xuống sát 40 USD chỉ vài tháng sau đó. Đà giảm hơn 40% từ mức trên 100 USD xuống dưới 60 USD/thùng từ tháng 7 đến nay chưa bằng diễn biến 2008, nhưng cũng thực sự đáng chú ý sau thời gian dài giá dầu chỉ theo xu hướng tăng với hy vọng mong manh kinh tế thế giới đang phục hồi.

Giá dầu giảm đang gây ra nhiều hệ lụy cho các nền các nền kinh tế trên thế giới. Với Mỹ, giá trị 700 triệu thùng trong kho "Dự trữ dầu mỏ chiến lược" (SPR) của Bộ Năng lượng nước này cũng đã bốc hơi 35 tỷ USD từ tháng 6 do giá dầu giảm. Đối với Nga hiện nay đang ngập chìm trong khó khăn, thì giá xăng dầu giảm càng khiến Nga khó hơn. Với Việt Nam, biến động này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong năm 2015…  

Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế

Nga – một trong những nền kinh tế lớn của thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã có động thái tăng lãi suất lần thứ 5 kể từ đầu năm nhằm cản đà lao dốc của tỷ giá đồng Rúp và chống lại sự leo thang của lạm phát. Động thái tăng lãi suất này diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Ngân hàng Trung ương và Chính phủ nước này phối hợp thực hiện các biện pháp mạnh để trừng trị giới đầu cơ và ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, sau động thái này, đồng Rúp vẫn rớt xuống mức thấp kỷ lục mới, đe dọa nền kinh tế Nga vốn dĩ đã “tơi tả” vì lệnh trừng phạt và sự sụt giảm chóng mặt của giá dầu. Ngân hàng Trung ương Nga đã tuyên bố sẵn sàng hành động bất kỳ lúc nào để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Đến nay, đồng Rúp là đồng tiền mất giá mạnh thứ nhì thế giới trong năm nay, sau đồng Hryvnia (Ukraine), trong số 170 đồng tiền được Bloomberg theo dõi.

Đồng Rúp mất giá mạnh đang làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Nga - một động lực chính của sự phục hồi nền kinh tế nước này từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Người dân Nga đang đổ xô đi đổi tiền tiết kiệm từ Rúp sang USD và Euro, đồng thời tích trữ hàng hóa và trang sức nhằm đề phòng trường hợp đồng nội tệ giảm giá sâu hơn. Trong khi đó, các đối tác thương mại của Nga đều đang tỏ ra lo ngại vì khủng hoảng kinh tế sẽ tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty có quan hệ làm ăn với Nga.

Dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ở mức gần 0% trong năm 2015-2016 và lạm phát sẽ vào khoảng 10% trong 3 tháng đầu năm sau. Tuy nhiên, kể cả mục tiêu tăng trưởng 0% năm tới cũng còn khó, nếu dầu thô vẫn duy trì mức giá hiện tại. Tình trạng hiện tại khiến nhiều người Nga đã bắt đầu liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính 1998. Khi ấy, đồng rouble cũng phá đáy, lãi suất tăng lên trên 100% và đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước này có thể giảm còn 7,1% trong năm 2015 từ mức 7,4% dự kiến đạt được trong năm nay do sự sa sút của thị trường bất động sản. Trong khi đó, theo Hãng nghiên cứu HIS, sự hỗ trợ tiếp theo từ chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ không đủ để ngăn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc còn 6,5% trong năm 2015.

Hiện nay, dù tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc có thể sẽ duy trì ổn định ở ngưỡng 2,2% trong năm 2015; xuất khẩu sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2015 từ mức 6,1% trong năm nay; Nhu cầu của thị trường toàn cầu khởi sắc có thể giúp lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng khả quan… song không đủ để bù đắp cho ảnh hưởng từ sự suy giảm của đầu tư bất động sản.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2015 có thể sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu tác động tiêu cực. Thực tế cho thấy quý III/2014, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn 7,3%. Các số liệu kinh tế ảm đạm của nước này trong tháng 11 khiến giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2014 được đề ra trước đó. Nếu điều này xảy ra, năm 2014 sẽ là năm tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong hơn 20 năm qua.

Những căng thẳng kinh tế - chính trị trên toàn cầu

Năm 2014 chứng kiến hàng loạt những căng thẳng về kinh tế - chính trị trên thế giới. Mỹ và các nước đồng minh hiện đang đau đầu và tiếp tục phải dồn nguồn lực tài chính vào cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hội giáo IS, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn rất nhiều so với các tổ chức khủng bố khác trước đây. Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ, các nước phương Tây và Nga tiếp tục bị đẩy lên cao, trong bối cảnh hiện nay, các nước này đang gây sức ép đến Nga sau những căng thẳng chính trị ở một số nước Đông Âu.

Tại châu Á, căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng cũng khiến kinh tế nhiều nước bị cũng bị ảnh hưởng. Đối với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới hiện đang đối mặt với vấn đề nội bộ, có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế như những cuộc biểu tình và chống đối từ Tân Cương và Hồng Kông.

Có thể nói, những diễn biến chính trị khó lường trong năm 2014 đang và sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu trong năm tới.