Nhận diện quan hệ sản xuất, tích lũy và tiêu dùng
(Tài chính) Quan hệ giữa sản xuất, tích lũy và tiêu dùng là quan hệ cân đối cơ bản nhất, có tính chiến lược, làm căn cứ cho việc hoạch định và đánh giá thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế trong dài hạn.
Các chỉ số thống kê cho thấy, quan hệ giữa sản xuất, tích lũy, tiêu dùng GDP (trên cơ sở coi GDP theo giá thực tế bằng 100%) năm 2009 và năm 2013 như sau.
Quan hệ sản xuất, tích lũy, tiêu dùng GDP (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ở góc độ thứ nhất, năm 2009 tích lũy + tiêu dùng cuối cùng bằng 111,42% GDP. Điều đó có nghĩa là tích lũy + tiêu dùng cuối cùng đã vượt sản xuất 11,42%.
Nói cách khác, sản xuất chưa đáp ứng được tích lũy và tiêu dùng cuối cùng. Mất cân đối cơ bản này đã góp phần dẫn đến mất cân đối cung-cầu và cầu lớn hơn cung dẫn đến nhập siêu lớn (nhập siêu hàng hóa lên đến 12,85 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ lên đến 2,42 tỷ USD, cộng nhập siêu hàng hóa, dịch vụ là 15,27 tỷ USD, bằng 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, dẫn đến mất cân đối cán cân tổng thể, là nguyên nhân cơ bản của lạm phát cao…
Năm 2013, tích lũy + tiêu dùng cuối cùng bằng 97,78% GDP. Điều đó có nghĩa là sản xuất GDP đã vượt được tích lũy + tiêu dùng cuối cùng. Đây là một sự cải thiện quan trọng về quan hệ giữa sản xuất, tích lũy và tiêu dùng cuối cùng khi cung lớn hơn cầu.
Khi cung lớn hơn cầu sẽ dẫn đến chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa từ nhập siêu sang xuất siêu (xuất siêu hàng hóa đạt trên 9 triệu USD, nếu xuất khẩu cùng tính theo giá FOB, thì mức xuất siêu lớn hơn nhiều); nhập siêu dịch vụ năm 2013 thấp chưa bằng một nửa năm trước (1.400 triệu USD so với 2.900 triệu USD).
Tính chung suất siêu hàng hóa, dịch vụ bằng 4,09% GDP. Khi cung lớn hơn cầu và xuất siêu sẽ dẫn đến cải thiện cán cân tổng thể, dự trữ ngoại hối tăng khá, bảo đảm được 12 tuần nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; giá vàng giảm mạnh (giảm 24,46%), giá USD chỉ tăng nhẹ (1,09%). Cung lớn hơn cầu là yếu tố cơ bản đã làm cho GDP tăng chậm lại (năm 2013 tăng 6,04%, 4 tháng 2014 tăng 0,88% - đều là các tốc độ tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Sự chuyển dịch quan hệ cân đối giữa sản xuất, tích lũy và tiêu dùng năm 2013 và có khả năng cả năm 2014, nói như trên, tuy là cung lớn hơn cầu, nhưng thực chất là cầu thấp hơn cung, do cả tích lũy và tiêu dùng cuối cùng đều co lại, còn cung vẫn thấp do tốc độ tăng sản xuất đã chậm lại từ vài năm nay. Đó là chưa nói, trong tổng cung có tới gần 20% là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra và xuất siêu cũng là do khu vực này thực hiện.
Ở góc độ thứ hai, tỷ lệ tích lũy/GDP giảm khá nhanh (từ 37,16% năm 2009 xuống 26,59% năm 2013). Tích lũy là tiền đề của đầu tư; nói cách khác đầu tư có nguồn chủ yếu từ tích lũy từ sản xuất, ngoài ra có nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP của Việt Nam đạt mức rất cao (bình quân thời kỳ 2006-2010 lên đến 39,2%, trong đó có năm còn cao hơn). Tỷ lệ đầu tư/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy (để dành)/GDP có năm lên đến hàng chục phần trăm, gây ra bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, nợ cao. Do sự sụt giảm của tỷ lệ tích lũy/GDP và sự đổi mới của tư duy (chuyển đổi mô hình tăng trưởng…), nên tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã giảm nhanh (bình quân 2011-2013 còn 31,5%, trong đó năm 2013 là 30,4% - tuy còn cao hơn so với tỷ lệ tích lũy/GDP là 26,59%).
Đây là tín hiệu khả quan góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế sự gia tăng của công nợ, lạm phát… Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư/GDP vẫn còn cao hơn tỷ lệ lạm phát/GDP sẽ dễ gây ra bất ổn quan hệ kinh tế vĩ mô, công nợ gia tăng và từ một trong những yếu tố của lạm phát. Hiệu quả đầu tư đã có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp…
Ở góc độ thứ ba, tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP cũng đã giảm xuống (từ 74,26% năm 2009 xuống còn 71,19% năm 2013). Sự co lại của tiêu dùng cuối cùng do nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng chậm, có một phần quan trọng do xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của phần đông dân cư. Điều này cũng lý giải tại sao tăng trưởng số tiền gửi ngân hàng thường cao gấp rưỡi, gấp đôi tốc độ tăng dư nợ tín dụng.
Ở góc độ thứ tư, Việt Nam đã chuyển từ chỗ nhập siêu lớn (năm 2009 lên đến 10,37%/GDP) sang xuất siêu (năm 2013 đạt 4,09%). Việc chuyển vị thế này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá… Tuy nhiên, xuất siêu hàng hóa là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Xuất siêu hàng hóa, nhưng nhập siêu lớn về dịch vụ, chủ yếu do phần dịch vụ vận tải kinh tế trong nước chưa vượt lên để giành thị phần… Nền kinh tế vẫn còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển.
Nhìn tổng quát, quan hệ cân đối giữa sản xuất, tích lũy, tiêu dùng cuối cùng đã có sự cải thiện đáng kể, trên cơ sở tổng cầu co lại. Khi lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô đi dần vào ổn định, thì việc chuyển sang thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý, làm cho chiếc bánh GDP to ra, làm cơ sở để tích lũy và tiêu dùng cùng lớn lên.