Nhận định kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng năm 2014
(Tài chính) Năm 2013 là năm thứ 6, Việt Nam rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Đây cũng là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay.
Nhìn lại năm 2012
Năm 2012, với hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) đã tác động kìm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm.
Hệ thống ngân hàng thương mại từ quý IV/2011 lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém. Nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản và cung cấp tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế, kể cả khu vực tư nhân làm tăng tính rủi ro của tín dụng và sự kém hiệu quả trong việc phân bố nguồn lực tài chính.
Từ quý II/2012 nền kinh tế nước ta thể hiện càng rõ nét đặc điểm của “một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu”. DN thiếu vốn hoạt động, nhưng ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn; “sức khoẻ” của nền kinh tế suy giảm nặng; niềm tin thị trường giảm sút; DN thiếu phương hướng hoạt động. Một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa kèm theo nhiều lo lắng đã kéo dài cả năm 2012.
Ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã chủ trương tiếp tục tập trung các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Từ quý II/2012, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13, ngày 10/5/2013 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường với các biện pháp, như: hoãn thời gian nộp thế thu nhập DN cho một số đối tượng; hoãn nộp tiền sử dụng đất năm 2011 cho DN bất động sản… Trong đó, chính sách tiền tệ tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá; 6 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi; hạ lãi suất cho vay xuống dưới 15%; đồng thời tập trung xử lý thanh khoản của ngân hàng thương mại thông qua việc “bơm” thêm tiền cho hệ thống bằng các công cụ của Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tín dụng cho DN trong một số lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp…, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng “thừa tiền, nhưng thiếu vốn”. Bên cạnh đó, chính sách tài khoá phần nào nới lỏng đầu tư công theo mức bội chi ngân sách, thực hiện giải ngân theo kế hoạch và phát hành trái phiếu trong kế hoạch được Quốc hội cho phép; tăng lương cơ bản vào 1/5/2012…
Với những nỗ lực nêu trên đã mang lại những kết quả nhất định trong năm 2012: sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã dừng lại trong quý I và đã tăng trở lại từ quý II, dù mức tăng khá chậm: GDP quý I tăng 4%; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,6% và cả năm 2012 tăng 5,03%; CPI theo chiều hướng giảm, thậm chí trong 2 tháng (6 và 7/2012) tăng trưởng âm; CPI cả năm chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2011; xuất khẩu cả năm đạt 114 tỷ USD tăng 16,6% so với năm 2011; nhập siêu giảm mạnh…
Nếu nhìn trên 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô: Tăng GDP; giá cả; việc làm và xuất khẩu ròng, thì kết quả của nền kinh tế năm 2012 thể hiện những chỉ báo khá tích cực trong bức tranh tiêu cực của cả năm. Tuy nhiên, thực tế khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Khó khăn dồn cả sang năm 2013
Bước vào năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với 4 thách thức ngắn hạn như sau :
Thứ nhất, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Mặc dù CPI 8 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 3,53% so với tháng 12/2012, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập” khi mà nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.
Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ.
Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều; khó đáp ứng sự mong đợi của DN, do hoạt động kém hiệu quả của DN lẫn hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, thì việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất vay trung - dài hạn. Điều này sẽ không kích thích được các DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.
Thứ tư, những nỗ lực để làm “ấm” thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể. Một khi thanh khoản của thị trường bất động sản chưa cải thiện, thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.
Cộng với đó là, trong năm 2013 tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến thất thường, có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam.
Với tình hình trên, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...”, với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và kiểm soát CPI dưới 8%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua một “gói giải pháp hỗ trợ thị trường” nhằm: giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ba vấn đề này có quan hệ nhân quả với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ. Ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và 02 để hỗ trợ thị trường.
Khác với gói giải pháp kích cầu thực hiện năm 2009, gói giải pháp hỗ trợ thị trường lần này tập trung vào khâu xử lý “điểm nghẽn” của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho sản phẩm bất động sản. Cụ thể, với các giải pháp về tín dụng áp dụng biện pháp cho vay mới các DN có khả năng tồn tại và phát triển; các DN đang thực hiện các dự án nhà ở đang có thị trường…; ngăn chặn xu hướng tăng số DN phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động; mở rộng tín dụng tiêu dùng; giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay; áp dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập định chế mua bán nợ của Nhà nước (VAMC).
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp hoãn thời hạn nợp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giãm thuế... Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6/2013), Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm miễn giảm thuế cho một số đối tượng để kích thích thị trường và giảm khó khăn cho DN. Áp dụng thuế suất thu nhập DN là 22% từ tháng 1/2014 và 20% từ tháng 01/2016 để khuyến khích DN mở rộng đầu tư, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho nhà giá thấp….
Nhờ vậy, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, để có thể đạt được các chỉ tiêu, mà Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (ngày 08/11/2012) đã đề ra, thì không dễ. Cụ thể, có thể dự báo như sau:
Một là, mục tiêu chung nhất là tốc độ tăng GDP cả năm chỉ có thể đạt được ở mức 5,2% (6 tháng đấu năm tăng 4,9%; 6 tháng cuối năm có thể đặt mức 5,5%).
Hai là, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng hơn 10%, ước số tuyệt đối khoảng 127 tỷ USD như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mức tăng của kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, còn khu vực DN trong nước vẫn chưa được cải thiện so với năm 2012. Năm 2013, vẫn có tỷ lệ nhập siêu thấp, ước khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc giảm nhập siêu chưa phải là sự cải thiện tích cực cán cân thương mại quốc tế, mà chủ yếu do nhập khẩu tăng chậm (ước tăng khoảng 19% trong năm 2013). Khi nền kinh tế khởi sắc, tín dụng tăng, đầu tư tăng, sức mua thị trường nội địa tăng lại, thì nhập siêu sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân nhập siêu từ cơ cấu kinh tế, nên việc giảm nhập siêu chưa phải là hiện tượng kinh tế đáng mừng.
Ba là, tốc độ tăng giá cả tiêu dùng (CPI) cả năm ước khoảng 7%, tương đương mức tăng của năm 2012, nhưng thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (8%). Tuy nhiên, nếu không phối hợp tốt giữa 3 nhóm chính sách: tiền tệ; chi tiêu công và điều chỉnh giá những hàng hoá dịch vụ công, thì khó kiềm chế được CPI theo mục tiêu.
Bốn là, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra, khó đạt được mức 30% GDP. Nguyên nhân là do nền kinh tế đang bị “nghẽn” hấp thụ tín dụng, mà đầu tư của mọi thành phần kinh tế đều dựa chủ yếu vào tín dụng. Ngay cả trường hợp đạt mức tăng tín dụng cả năm 2013 là 12%, thì tổng vốn đầu tư vẫn chưa thể đạt mức 30% GDP.
Năm là, về các chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp rất khó đánh giá vì tính khả tín của số liệu công bố. Nhưng, có điều chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5%, thì không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%. Tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp ở nước ta cần được đánh giá đúng thực chất hơn. Vì vấn đề việc làm và thất nghiệp là một trong 4 chỉ tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2013 ước thu ngân sách hụt gần 20 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch). Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, DN thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng chi tiêu công không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách năm 2014 và 2015.
Nhiệm vụ quan trọng năm 2014-2015: Phục hồi niềm tin
Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 có thể thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, song tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn: Khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; Nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; Khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và quan trọng nhất là khôi phục lại niềm tin của thị trường.
Những dấu hiệu bất ổn vĩ mô được cải thiện so với các năm trước, đặc biệt là nguy cơ lạm phát cao đã được ngăn chặn. Tốc độ tăng CPI từ hơn 18% năm 2011 đã kéo giảm xuống còn 6,81% năm 2012; và dự kiến cả năm 2013 khoảng 6,5-7%%. Đây là kết quả nổi bật nhất trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, trong ngắn hạn, lạm phát không còn là “con ngựa bất kham”. Do đó, hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình. Cụ thể:
Về ngắn hạn, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ DN. Điều chỉnh lại Nghị quyết 02 của Chính phủ phần liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở “phổ thông”, tức là loại nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh và khoảng 500 triệu/căn hộ ở các địa phương khác thông qua công cụ tín dụng cho người mua nhà. Hỗ trợ trực tiếp người mua, chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.
Về dài hạn, cần một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế kéo dài đến hết năm 2015, dựa trên các nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, chính sách chủ đạo của chương trình là thực hiện chính sách” lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công, mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Chương trình phục hồi kinh tế trung hạn sẽ chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. Mức lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy.
Thứ hai, từ chính sách “lạm phát mục tiêu” nêu trên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa và qua đó huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm tổng đầu tư xã hội.
Thứ ba, trong 2 năm 2013-2014, cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỷ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở. Vẫn biết rằng, nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn của nợ công là quan trọng, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép.
Thứ tư, lồng ghép vào các nhóm giải pháp trên trong chương trình trung hạn cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DN nhà nước (DNNN). Hiệu quả sử dụng nguồn lực này là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Trên quan điểm đó, thì không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị. Nếu đặt đúng tầm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá XI).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2012). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, tháng 11/2012
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngày 29/08/2013
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, ngày 26/08/2013