Nhân rộng sản phẩm OCOP ở Hậu Giang


Thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhân rộng sản phẩm OCOP của địa phương, nhằm tạo ra những mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương để thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Sản phẩm bánh pía của cơ sở Tân Bạch Nguyệt được bình xét sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: D. Khánh
Sản phẩm bánh pía của cơ sở Tân Bạch Nguyệt được bình xét sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: D. Khánh

Gắn bó với nghề làm bánh pía gần 25 năm, mỗi tháng cơ sở Tân Bạch Nguyệt của chị Từ Thị Nguyên Mai, ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cung ứng cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long từ 10.000-15.000 cái bánh pía.

Hiện nay, cơ sở của chị Mai dự định sẽ mở rộng kinh doanh, đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường đi các tỉnh miền Đông và miền Trung. Do đó, chị Mai tham gia chương trình OCOP với kỳ vọng bánh pía của cơ sở sẽ từng bước xây dựng được thương hiệu để có thể vào các hệ thống bán lẻ của các siêu thị và chinh phục người tiêu dùng gần xa.

Chị Mai cho biết thêm: “Cơ sở muốn tham gia OCOP để từng bước xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình. Từ đó, có điều kiện tham gia hệ thống bán lẻ của siêu thị hay hệ thống Bách Hóa Xanh hay xa hơn nữa là thị trường nước ngoài. Mặt hàng chính của cơ sở là bánh pía được sản xuất quanh năm. Ngoài ra, mùa tết thì sản xuất thêm các loại mứt, mùa trung thu thì sản xuất bánh in và bánh trung thu”.

Cũng với kỳ vọng đưa sản phẩm của cơ sở mình đi xa hơn trên thị trường, thời gian qua, chị Phạm Thị Ngọc Em, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, ngoài mở rộng quy mô sản xuất thông qua việc thành lập HTX Ngọc Phạm Hari, chị Ngọc Em còn tập trung cải thiện mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng 4 sản phẩm chủ lực là: sản phẩm thịt ba rọi một nắng, sản phẩm lạp xưởng tươi, sườn muối sả một nắng, chả cá thát lát tươi để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.

Chị Ngọc Em chia sẻ: “Thời gian qua, HTX cũng được địa phương tuyên truyền, khi muốn sản phẩm của mình vươn xa hơn thì phải đạt một tiêu chuẩn nào đó, chẳng hạn như OCOP, đây là chương trình đang được tỉnh Hậu Giang khuyến khích thực hiện. Để tham gia chương trình này, cơ sở cũng đã tập trung xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng và thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, đăng ký mã vạch đúng theo hướng dẫn”.

Năm 2023, từ nguồn ngân sách, huyện Phụng Hiệp đã đầu tư hơn 300 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể về hồ sơ thủ tục, các bước kiểm định, thiết kế bao bì, nhãn mác để xây dựng mới 11 sản phẩm OCOP. Trong 11 sản phẩm mới xây dựng năm nay có 4 sản phẩm gồm: thịt ba rọi một nắng, sản phẩm lạp xưởng tươi, sườn muối sả một nắng, chả cá thát lát tươi của HTX Ngọc Phạm Hari tham gia đánh giá 4 sao, 7 sản phẩm gồm: chuối, khô cá sặc, bánh pía, bánh bông lan, nấm bào ngư, trà tâm sen tham gia đánh giá 3 sao.

Theo đánh giá hội đồng bình xét sản phẩm OCOP, các sản phẩm đều đạt yêu cầu. Huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ công nhận các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, trình hội đồng tỉnh Hậu Giang đánh giá các sản phẩm 4 sao. Đồng thời hỗ trợ 2 chủ thể là HTX Kỳ Như và Cơ sở rượu lão tửu Út Tây thăng hạng cho 4 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao.

Ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Huyện rất kỳ vọng các sản phẩm OCOP của Phụng Hiệp sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Chính vì thế, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng dần thứ hạng của sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao hay 4 sao lên 5 sao. Khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể sẽ được nhiều lợi ích như: Được ngành công thương đưa đi xúc tiến thương mại hay ngành nông nghiệp hỗ trợ về công tác sản xuất”.

Theo Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại thì Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chính là một trong những giải pháp khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các khu vực nông thôn, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao đời sống kinh tế cho người dân và góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hậu Giang với lợi thế là ngành nông nghiệp có nền tảng phát triển và định hướng rất rõ ràng, cụ thể là những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng địa phương, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Tuy nhiên, quá trình phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ cũng như trong công tác quản lý sản phẩm OCOP. Do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ phát triển sản phẩm OCOP bền vững như: Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế của địa phương và yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo TS. Nguyễn Minh Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế đối ngoại, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm mở ra cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình OCOP được xác định là một giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chương trình được thực hiện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp đã phối hợp với những đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc...).

Việc xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp nhận ra sản phẩm, phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại, thương hiệu cũng tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Báo Hậu Giang