Nhân tài Phố Wall đi dạy học kiếm sống

Theo VnEconomy

Mất việc ở Phố Wall, hoặc không còn nhiều việc để làm trong ngành tài chính, nhiều gương mặt tên tuổi của lĩnh vực này ở Mỹ nói lời tạm biệt những loại tài sản độc hại và những vụ mua lại.

Đích đến mới của họ là các trường đại học.

Cựu Chủ tịch Greg Fleming của Merrill Lynch có lẽ là nhân vật cao cấp nhất của Phố Wall tính tới thời điểm này chuyển sang nghề dạy học. Đầu năm nay, sau khi Merrill Lynch bị Bank of America thâu tóm, Fleming đã quyết định rời tập đoàn để tới giảng dạy ở Trường luật Yale. Học kỳ này, ông đang dạy một lớp, trong đó, nhiều nhà tài chính chuyên nghiệp được mời tới Yale để lý giải cho sinh viên về các sự kiện kinh tế của năm ngoái. Lớp học này không chỉ nhận được sự ca ngợi của các sinh viên, mà còn sự ủng hộ từ các giáo viên khác.

“Ông ấy đã thực sự làm cuộc sống của chúng tôi tại Yale phong phú hơn. Ông đã giúp sinh viên đi rất sâu vào bản chất của môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay”, bà Kate Stith, quyền hiệu trưởng của Trường luật Yale, nói.

Nhiều nhân vật khác ở Phố Wall cũng đang theo bước của Fleming. Giữa năm ngoái, Frank Yeary, người đứng đầu bộ phận mua bán và sáp nhập (M&A) của Citigroup, đã rời ngân hàng này để trở thành Phó hiệu trưởng danh dự của Đại học California. Một tháng sau đó, người đứng đầu mảng ngân hàng đầu tư của Citigroup là Michael Klein cũng rời lĩnh vực nhà băng để đến với Đại học Princeton.

Đại học Havard danh tiếng cũng đã thu nạp một nhân vật tiếng tăm ở Phố Wall. Người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư của Goldman Sachs là Edward Frost đã từ bỏ công việc này để đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch điều hành của Harvard.

Những nhà tài chính thành công ở Phố Wall từ lâu vẫn duy trì quan hệ gắn kết với các trường đại học mà họ đã học qua, đặc biệt là thông qua những khoản tài trợ lớn. Một ví dụ điển hình là Đại học Weill Cornell Medical College được đặt tên theo cựu Ceo Sandy Weill của Citigroup. Những nhân vật này cũng thường có vị trí trong ban lãnh đạo của các trường đại học và hỗ trợ công tác quản lý tài chính của trường.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, hầu như có rất ít những gương mặt của Phố Wall từ bỏ những khoản lương thưởng béo bở trong ngành tài chính để đi theo tiếng gọi của ngành giáo dục. Những người bỏ ngành tài chính đi dạy học có chăng chỉ là những người có công việc tầm trung ở Phố Wall, hoặc những người đã gần về hưu. Nhưng tình thế hiện nay đã khác.

Nhiều người tài ở Phố Wall rời bỏ ngành tài chính để tới làm việc trong các trường đại học thời gian này đang ở độ tuổi 40 và có công việc vào hàng cao cấp trong công ty. Mặc dù trong ngành tài chính, nghỉ hưu sớm là chuyện phổ biến, nhưng những nhân vật như Fleming đang chấp nhận từ bỏ những khoản thu nhập hàng năm lên tới cả triệu đô. Tuy nhiên, chẳng ai nghi ngờ chuyện một số người trong số họ sẽ sớm quay trở lại với Phố Wall.

“Anh chỉ có một văn phòng nhỏ, đồng nghiệp hiếm khi trò chuyện với anh, và anh phải vạch ra những gì để nói trước sinh viên trong 36 tiếng đồng hồ mỗi học kỳ. Đúng là một công việc nặng nhọc, mà thù lao được chẳng bao nhiều”, Roy Smith, một nhà tài chính rời Goldman Sachs cách đây 21 năm để trở thành một giáo sư của Đại học New York, nói.

Đương nhiên, các nhà tài chính rời Phố Wall ở thời điểm hiện nay cũng còn vì lý do muốn tránh thời kỳ sóng gió nhất trong sự nghiệp của họ. Cuộc khủng hoảng tín dụng đã khiến nhiều khu vực thị trường tê liệt, nhiều vụ sáp nhập bị đình lại, khiến nhiều người trong số họ hết việc để làm.

Thêm vào đó, trong năm qua, thái độ của công chúng đối với giới tài chính đã chuyển từ sự kính nể sang giận giữ, và thậm chí là miệt thị. Do đó, đây là thời điểm tốt để nhiều nhân vật trong ngành này chuyển sang nghề dạy học, một lĩnh vực đem lại nhiều ích lợi cho xã hội.

John Chrin, một người tốt nghiệp Đại học Lehigh và từng làm ở Phố Wall, cho biết, năm ngoái, hiệu trưởng Trường kinh doanh của đại học này cuối năm ngoái đã tới gặp và hỏi ông xem có biết nhà tài chính Phố Wall nào đang tìm việc mới không. Ông hiệu trưởng này muốn sinh viên của mình được giảng dạy bởi những nhân vật có kinh nghiệm thực sự trên thị trường tài chính, ngay ở thời điểm mà thị trường này gặp nhiều sóng gió nhất từ trước tới nay.

Về phần mình, Chrin khi đó mới hoàn thành xong một trong những vụ mua lại lớn nhất trong sự nghiệp của anh khi tư vấn cho JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns. Vào giữa tháng 1 vừa qua, Chrin gọi cho ông hiệu trưởng Trường kinh doanh Lehigh để thông báo rằng chính anh muốn tới trường này để dạy.

Giữa tháng 6 tới, Chrin sẽ rời JPMorgan và giảng dạy toàn thời gian tại Lehigh bắt đầu từ mùa thu tới. “Tình hình kinh tế Mỹ lúc này thật tệ. Nếu tôi có thể giúp ích cho các bạn sinh viên, điều đó sẽ làm tôi cảm thấy dễ chịu”, Chrin nói.