Nhân tố ảnh hưởng đến quản trị chuỗi cung ứng xanh tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện mô hình quản trị chuỗi cung ứng xanh tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Nhóm tác giả khảo sát các tài liệu có liên quan, đồng thời, khảo sát 276 nhà quản lý từ cấp bộ phận đến cấp cao tại các khách sạn từ 1 đến 5 sao ở Hà Nội, các kỹ thuật phân tích độ tin cậy….
Kết quả phân tích cho thấy, thực hành mô hình quản trị chuỗi cung ứng xanh của các khách sạn chịu tác động nhiều nhất bởi nhân tố hợp tác với các nhà cung cấp, thứ 2 là nhân tố cam kết với khách hàng, thứ 3 là nhân tố tuân thủ các quy định về môi trường và cuối cùng là nhân tố nhận thức từ bên trong doanh nghiệp.
Cơ sở lý luận
Chuỗi cung ứng xanh được hiểu là chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả mà vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh thái tự nhiên. Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics đầu vào và đầu ra xanh, quản lý chất thải, sản xuất xanh…
Theo Zhu và Sarkis (2006), Quản trị chuỗi cung ứng xanh (GSCM) bao gồm từ khâu thu mua xanh đến chuỗi cung ứng tích hợp từ nhà cung cấp đến nhà sản xuất, đến khách hàng và tiếp tục ngược lại, nghĩa là một vòng khép kín. Những công việc này đòi hỏi phải có sự thúc đẩy mối quan hệ giữa các đối tác trong thực hiện các dự án xanh bao gồm: Sự tham gia trực tiếp của các nhà cung cấp, khách hàng trong việc thực hiện quy trình sản xuất mới hoặc sửa đổi sản phẩm (Bowen và cộng sự, 200).
Trong ngành khách sạn, việc tích hợp hiệu quả tính bền vững vào chuỗi cung ứng đòi hỏi phải thiết lập một chính sách nhất quán và hệ thống quản lý đi kèm, đề ra các mục tiêu và hành động rõràng đối với hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Việc xây dựng hệ thống này dựa trên các quy trình nội bộ sẽ giúp giảm thiểu chi phí triển khai và thúc đẩy sự tích hợp trong các hoạt động tổng thể của khách sạn.
Để đảm bảo thực hiện các điều kiện của GSCM cần phải có sự cam kết từ các lãnh đạo cấp cao của khách sạn. Bên cạnh đó, Carter và cộng sự (2008) kết luận rằng, sự ủng hộ từ các nhà quản lý cấp trung cũng rất cần thiết để thực hiện thành công trong ứng dụng GSCM. Chien và Shih (2007) khẳng định, điều quan trọng là phải đánh giá hiệu quả hoạt động của GSCM từ bên trong tổ chức. Hiệu quả của GSCM thường được đo lường thông qua các chỉ số hiệu suất hoạt động và hiệu suất quản lý (Cagno, và cộng sự, 2011). Từ các lập luận trên, nghiên cứu đề xuất giả thuyết:
H1: Môi trường nội bộ (IE) có ảnh hưởng đến việc thực hành quản lý cung ứng xanh (GSCM) tại các khách sạn ở Hà Nội.
Môi trường bên ngoài của doanh nghiệp cũng được xem là các yếu tố quyết định đến việc thực hành GSCM, theo đó môi trường bên ngoài gồm 2 yếu tố: khách du lịch và nhà cung cấp. Lin (2011) cho rằng “do nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm xanh được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất xanh, vì vậy các doanh nghiệp phải tích hợp các mục tiêu môi trường với quản lý chiến lược dài hạn”.
Sức ép của người tiêu dùng chắc chắn là yếu tố quan trọng trong kích thích các hoạt động vì môi trường của các doanh nghiệp khách sạn nói chung và đặc biệt là đối với các khách sạn cao cấp. Sự phát triển của các khách sạn vì môi trường thời gian gần đây cho thấy lượng khách hàng ngày càng tăng điều này đòi hỏi tất cả các khách sạn cần phài hành động nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường của tất cả các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng (Sigala, 2008).
Khách du lịch lần đầu thường chọn khách sạn dựa trên vị trí, tiện nghi và dịch vụ nhưng khách hàng quay lại lần 2 có thể quyết định dựa trên mức độ cam kết về môi trường (Do và cộng sự, 2020). Từ các lập luận trên, nghiên cứu đề xuất giả thuyết thứ 2 và 3:
H2: Sức ép của khách du lịch có tác động đến thực hành quản lý cung ứng xanh (GSCM) tại các khách sạn ở Hà Nội.
H3: Sự hợp tác với các nhà cung cấp có tác động đến thực hành quản lý cung ứng xanh (GSCM) tại các khách sạn ở Hà Nội.
Khi xem xét lý do tại sao các doanh nghiệp ứng dụng chuỗi cung ứng xanh, một loạt nghiên cứu cho rằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật là động lực chính góp phần vào việc thực hiện quản lý chuỗi cung ứng xanh (An và cộng sự, 2008). Zhu và Sarkis (2006) chia môi trường pháp lý thành ba cấp độ: các quy định về môi trường khu vực, các quy định về môi trường của chính quyền trung ương và các hiệp định về môi trường quốc tế. Từ các lập luận trên, nghiên cứu đề xuất giả thuyết thứ 4:
H4: Các quy định về môi trường có ảnh hưởng đến thực hành quản lý cung ứng xanh (GSCM) tại các khách sạn ở Hà Nội.
Từ các giả thuyết trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến thực hành GSCM tại các khách sạn ở Hà Nội như Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng bảng khảo sát để thu thập câu trả lời từ các nhà quản lý khách sạn tại Hà Nội về nhận thức/quan điểm của họ liên quan đến GSCM. Tổng số phiếu thu về là 320 phiếu được gửi đến các khách sạn từ 1- 5 sao ở Hà Nội từ ngày 15/12/2020 đến ngày 15/4/2021. Sau khi loại bỏ các phiếu không hợp lệ tổng số phiếu hợp lệ và được đưa vào sử dụng trong nghiên cứu này là 276 phiếu (tỷ lệ phiếu hợp lệ trên tống số phiếu là 86.25%).
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định độ tin cậy và phân tích nhân tố khám phá
Kiểm định độ tin cậy thang đo (kiểm định Cronbach Alpha) về 4 nhân tố ảnh hưởng đến thực hành GSCM tại khách sạn với 17 biến quan sát. HệsốCronbach Alpha đạt từ 0,836 đến 0,912 chứng tỏthang đo có độ tin cậy để tiến hành phân tích nhân tố khám phá.
Bảng 2 cho thấy, cấu trúc mô hình có 4 nhân tố được đưa vào hệ thống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị Kaiser-Meyer-Olkin là 0,917, và thử nghiệm của Bartlett có ý nghĩa thống kê ở mức 0,000. Các giá trị riêng yếu tố lớn hơn hoặc bằng 1,0 và các biến với tải nhân tố lớn hơn 0,5. Các kết quả này cho thấy sự phù hợp của mô hình để tiến hành các bước phân tích tiếp theo.
Kiểm định giả thuyết
Kiểm định hệ số tương quan
Để tiến hành kiểm định giả thuyết nghiên cứu sử dụng hệ số tương quan Pearson để kiểm định sự tương quan của các biến độc lập với biến phụ thuộc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các biến độc lập đều có sự tương quan mạnh với biến phụ thuộc và có ý nghĩa thống kê tại mực p<0,01, do đó sẽ được đưa vào mô hình để giải thích cho biến phụ thuộc. Bên cạnh đó, phân tích tương quan Pearson còn cho thấy một số biến độc lập có sự tương quan với nhau. Do đó khi phân tích hồi quy cần phải chú ý đến vấn đề đa cộng tuyến.
Phân tích hồi quy
Để kiểm định giả thuyết H1-H4, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích hồi quy bội. Từ kết quả phân tích nhân tố nêu trên đã xác định có 4 nhân tố ảnh hưởng đến thực hành GSCM tại các khách sạn. Đây chính là 4 biến giải thích được đưa vào mô hình hồi quy ký hiệu tương ứng: X1-Nhận thức từ bên trong khách sạn, X2-Hợp tác với các nhà cung cấp, X3-Cam kết với khách hàng, X4-Tuân thủ các quy định về môi trường, và Y-ứng dụng GSCM.
Kết quả hồi quy cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh bằng 0,553 nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng với các biến độc lập ảnh hưởng 55,3% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 44,7% là do các biến ngoài mô hình hoặc sai số ngẫu nhiên. Trong kết quả kiểm định giá trị F= 86.163 có mức ý nghĩa P = 0.000 < 0.01 cho thấy, mô hình hồi quy bội vừa xây dựng là phù hợp với tổng thể nghiên cứu và có thể được sử dụng.
Cũng từ kết quả có thể thấy, tất cả các nhân tố đều có hệ số phóng đại VIF < 10, đo đó vấn đề đa cộng tuyến không ảnh hưởng đáng kế đến kết quả hồi quy. Bên cạnh đó, giá trị Durbin-Watson = 1.843 nằm trong khoảng từ 1,5 – 2,5 vì vậy có thể khẳng định mô hình không có hiện tượng tự tương quan.
Kết quả hồi quy cho thấy, tất cả 4 biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc có ý nghĩa thống kê ở mức p<0.05 và giá trị t >1.96. Nói cách khác, khi cải thiện bất kỳ nhân tố nào trong số 4 nhân tố đều ảnh hưởng đến ứng dụng GSCM trong các khách sạn ở Hà Nội.
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy cả 4 nhân tố: Nhân thức từ bên trong doanh nghiệp, hợp tác với các nhà cung cấp, cam kết với khách hàng và tuân thủ các quy định về môi trường đều có tác động tích cực đến thực hiện quản trị chuỗi cung ứng xanh tại các khách sạn ở Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, thời gian này là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch nói chung và các doanh nghiệp khách sạn nói riêng có điều kiện cấu trúc lại hệ thống quản lý của mình.
Đặc biệt, vấn đề môi trường và phát triển bền vững trong du lịch đang được xem là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn ngành Du lịch. Việc thực hiện quản trị chuỗi cung ứng xanh được xem là một giải pháp quan trọng để các khách sạn có thể nhanh chong phục hồi hoạt động kinh doanh của mình sau đại dịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Do, A., Nguyen, Q., Nguyen, D., Le, Q., & Trinh, D. (2020), Green supply chain management practices and destination image: Evidence from Vietnam tourism industry. Uncertain Supply Chain Management, 8(2), 371-378;
2. An H.K., Amano T., Utsumi H. and Matsui S., (2008), A framework for Green Supply Chain Management complying with RoHS directive, Queen's University Belfast;
3. Zhu, Q. and Sarkis, J. (2006), An inter-sectoral comparison of green supply chain management in China: drivers and practices, Journal of Cleaner Production, 14, 472-86;
4. Bowen, F.E., Cousins, P.D., Lamming, R.C. and Faruk, A.C. (2001), Horses for courses: explaining the gap between the theory and practice of green supply, Greener Management International(autumn), 41-60;
5. Carter C, Rogers DS (2008), A framework of sustainable supply chain management: moving toward new theory, International Journal of Physical Distribution & Logistics Management 38(5), 360-387.
(*) Lục Mạnh Hiển, Nguyễn Quang Vĩnh, Phan Thành Hưng, Phạm Thị Thúy Vân, Trường Đại học Lao động - Xã hội.
(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.