Nhân tố tác động đến cường độ sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam
Nghiên cứu này phân tích định lượng các nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp hồi quy tác động ngẫu nhiên. Do ảnh hưởng có thể xảy ra hiệu ứng nội sinh của biến xuất khẩu đến tiêu dùng năng lượng, nghiên cứu sử dụng các biến công cụ trong mô hình GMM. Tác giả đã sử dụng hai nguồn dữ liệu trong giai đoạn 2013- 2017: Dữ liệu điều tra doanh nghiệp và dữ liệu điều tra tiêu dùng năng lượng trong các doanh nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, xuất khẩu có tác động âm đến tiết kiệm năng lượng và các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng sử dụng nhiều năng lượng hơn các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, tác giả đề xuất hàm ý chính sách về quản lý và thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đặt vấn đề
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng. Trong bối cảnh nguồn năng lượng trong nước còn hạn chế, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng vì nó sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và giảm phát thải ô nhiễm cho xã hội. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các chương trình về sử dụng hiệu quả năng lượng trong những năm gần đây như Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện trong giai đoạn 2006-2015 và giai đoạn 2019-2030.
Các nghiên cứu về các yếu tố quyết định đến cường độ sử dụng năng lượng được đề cập trong nhiều bài báo thực nghiệm sử dụng các phương pháp khác nhau và mang lại kết quả khác nhau. Tác động của xuất khẩu đến cường độ sử dụng năng lượng được phân tích rộng rãi ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nó có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sử dụng năng lượng tùy thuộc vào việc quản lý môi trường và tính sẵn có của nguồn lực hoặc mức độ sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng (Zheng và cộng sự, 2011).
Theo các kết quả thực nghiệm, xuất khẩu được cho là yếu tố có thể dẫn đến việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua đầu tư vào công nghệ nâng cao năng suất, do đó có thể thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng (Roy và cộng sự, 2015; Cui và cộng sự, 2012) hoặc ngược lại cho thấy xuất khẩu có thể làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng (Zheng và cộng sự, 2011). Batrakova và Davies (2012) kiểm tra tác động ròng của xuất khẩu đối với việc sử dụng năng lượng bằng cách sử dụng bộ dữ liệu của các doanh nghiệp sản xuất Ireland trong giai đoạn 1991-2007. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu có cường độ năng lượng thấp sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn và các doanh nghiệp xuất khẩu có cường độ sử dụng năng lượng cao có xu hướng giảm cường độ sử dụng năng lượng.
Ngoài xuất khẩu, các nhân tố khác cũng có tác động đến cường độ sử dụng năng lượng của doanh nghiệp. Adom và Kwakwa (2014) sử dụng hồi quy chuỗi thời gian để giải thích sự suy giảm cường độ năng lượng ở Nam Phi bằng việc chuyển giao công nghệ thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Fisher và cộng sự (2004) cho thấy chi tiêu cho R&D là cực kỳ quan trọng vì nó có thể làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng ở Trung Quốc. Eskeland và Harrison (2003) cho rằng, các công ty nước ngoài thường xuyên sử dụng các loại năng lượng sạch hơn trong sử dụng năng lượng.
Các nghiên cứu cũng đưa ra những kết quả trái ngược nhau về quy mô, kỹ năng lao động và tuổi của doanh nghiệp đối với cường độ năng lượng. Trong khi Roy và Yasar (2015) cho thấy số năm vận hành và kỹ năng lao động của doanh nghiệp không có tác động gì đến việc tiết kiệm năng lượng thì Girma và Hanley (2015) lại ủng hộ quan điểm rằng các doanh nghiệp nhỏ là sử dụng ít hiệu quả năng lượng hơn.
Nghiên cứu về đặc điểm của doanh nghiệp và mức tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam chưa được nghiên cứu sâu. Về phân tích năng lượng ở cấp độ doanh nghiệp ở Việt Nam, có một số bài viết liên quan đến tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế như Tang và cộng sự (2016) hoặc phân tích các chính sách tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam như Lương (2015), hoặc mối tương quan giữa nhu cầu năng lượng và sự thay thế các yếu tố (Phu, 2019). Anwar và Alexander (2016) đã điều tra mối liên hệ giữa độ mở thương mại, tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm ở Việt Nam.
Trong bối cảnh còn ít nghiên cứu về phân tích năng lượng ở Việt Nam, nghiên cứu này góp phần xem xét ở cấp độ doanh nghiệp tác động của nhiều yếu tố đến hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng khảo sát năng lượng để nắm bắt sự thay đổi theo thời gian. Dự kiến kết quả này sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các chính sách năng lượng trong tương lai ở Việt Nam. Bảng 1 trình bày tất cả các biến được sử dụng trong bài báo và cách chúng được đo lường.
Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu
Phương pháp nghiên cứu
Ta có hàm chi phí Cobb-Douglas như sau:
(1)
Trong đó C là tổng chi phí, Y là mức sản lượng; PL, PK, PE, PM lần lượt là giá của các yếu tố đầu vào: lao động, vốn, năng lượng và nguyên vật liệu. α1, α2, α3, α4 là độ co giãn của các đầu vào này. A thể hiện sự khác biệt về công nghệ giữa các doanh nghiệp hoặc năng suất nhân tố tổng hợp.
Theo Fisher và cộng sự (2004), cầu về một yếu tố đầu vào có thể được coi là đạo hàm của hàm chi phí đối với giá đầu vào của nó. Như vậy, hệ số cầu về lượng năng lượng đầu vào:
(2)
trong đó là giá sản phẩm.
Cường độ năng lượng (EI) phản ánh hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp có thể được tính bằng tổng nhu cầu năng lượng trên tổng sản lượng:
(3)
Để phân tích thực nghiệm, năng suất lao động và tỷ trọng xuất khẩu được sử dụng để nắm bắt sự thay đổi công nghệ ở A.
Từ phương trình (3), lấy log:
trong đó là logarit của cường độ năng lượng, được đo bằng đơn vị năng lượng trên một đơn vị sản lượng. là hằng số, là tác động riêng biệt của mỗi cá nhân, dt là biến giả về thời gian. Exportit là tỷ trọng xuất khẩu, được tính bằng giá trị xuất khẩu trong tổng doanh thu. Productivityit là năng suất lao động của doanh nghiệp. Như đã đề cập ở trên, dt, Exportit và Productivityit được sử dụng để thể hiện sự khác biệt về công nghệ giữa các doanh nghiệp và biến động trong kỳ.
Để kiểm soát sự thay đổi trong giá đầu vào cũng như sự thay đổi không thể quan sát được theo thời gian của từng ngành cụ thể, tác giả sử dụng biến giả theo cả ngành và thời gian (dsector−year), được tính bằng phép nhân giữa biến giả ngành và thời gian t. Để kiểm soát cú sốc kinh tế vĩ mô không thể quan sát được của từng vùng, tác giả sử dụng biến giả vùng theo thời gian (dregion−year), được tính bằng phép nhân của biến giả vùng và thời gian t.
Trong một số nghiên cứu, tính nội sinh của biến xuất khẩu được ghi nhận. Tác động của xuất khẩu đối với cường độ năng lượng là nội sinh vì các doanh nghiệp có hiệu quả sử dụng năng lượng cao thường là nhà xuất khẩu. Để loại bỏ hiệu ứng nội sinh, tác giả sử dụng mô hình GMM (mô hình Phương pháp Moment tổng quát). Tác giả chọn các biến công cụ về cú sốc cầu nước ngoài và tỷ trọng lao động nữ để giải thích tính nội sinh của xuất khẩu. Nhu cầu nước ngoài có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu ở cấp độ doanh nghiệp.
Dữ liệu
Bảng 1: Đo lường các biến được sử dụng |
|
Các biến |
Đo lường |
EI |
|
Cường độ năng lượng (dưới dạng logarit): Tổng tiêu dùng năng lương chia cho tổng doanh thu đã được điều chỉnh bởi chỉ số giá sản xuất. Mọi loại hình năng lương đều quy về đơn vị KTOE (tấn dầu tương đương) |
|
Productivity |
Năng suất lao động, được tính bằng cách lấy doanh thu chia cho tổng số lao động |
Size |
Độ lớn của doanh nghiệp, tính bằng tổng số lao động |
Age |
Tuổi của doanh nghiệp |
Wage |
Thu nhập trung bình của lao động được điều chỉnh bởi chỉ số lạm phát |
Foreign |
Tỷ lệ vốn nước ngoài |
Export |
Tỷ lệ xuất khẩu, tổng số giá trị xuất khẩu so với tổng số doanh thu |
Female−s |
Tỷ lệ lao động nữ trong doanh nghiệp |
Demand |
|
Nhu cầu của nước ngoài, tính bằng tổng giá trị nhập khẩu trên tất cả các quốc gia của 6 nước mà Việt Nam xuất khẩu sang. |
|
dsector−year |
Biến giả ngành theo thời gian, tính bằng biến giả ngành nhân cho thời gian. |
dregion−year |
Biến giả vùng theo thời gian, tính bằng biến giả vùng nhân cho thời gian. |
dt |
Biến giả thời gian |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Bảng 2: Mô tả thống kê |
||
Biến |
Mean |
Std.Dev. |
EI |
-6.04508 |
1.65055 |
Productivity |
987.5225 |
3111.901 |
Size |
350.1592 |
1365.85 |
Export |
0.1672 |
20.771 |
Age |
9.546969 |
7.83807 |
Wage |
44.47774 |
34.11178 |
Foreign |
0.341912 |
0.46891 |
Female_s |
0.454403 |
0.25495 |
Demand |
3.10e+11 |
4.01e+11 |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Bảng 3: Các kết quả hồi quy |
||
Biến |
(1) Fixed Effect |
(2) GMM |
Export |
-0.000227** |
|
(-6.49) |
-0.281* |
|
(-1.68) |
||
Size |
-0.00009** |
|
(-3.17) |
-0.00006** |
|
(-3.29) |
||
Age |
0.656** |
|
(2.34) |
0.00579** |
|
(3.77) |
||
Wage |
-0.000817** |
|
(-2.64) |
-0.00320** |
|
(-8.96) |
||
Foreign |
0.283 |
|
(1.40) |
0.219** |
|
(7.09) |
||
Productivity |
-0.000029* |
|
(-1.71) |
-0.000042** |
|
(-2.29) |
||
Hansen p-value |
0.181 |
|
Pseudo R-square |
0.0120 |
0.0019 |
N |
53447 |
53039 |
Hệ số t trong ngoặc đơn . ** mức ý nghĩa tại mức 5% * mức ý nghĩa tại mức 10%
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Bài báo sử dụng kết hợp hai bộ dữ liệu cấp doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê Việt Nam thu thập. Bộ dữ liệu đầu tiên là bộ Khảo sát doanh nghiệp hàng năm. Cuộc khảo sát bao gồm tất cả các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo từng năm. Dữ liệu thứ hai là bộ khảo sát tiêu dùng năng lượng của doanh nghiệp. Đầu tiên, tác giả sử dụng dữ liệu Khảo sát tiêu dùng năng lượng và loại bỏ các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực sản xuất. Sau đó, khớp tập dữ liệu này với tập dữ liệu khảo sát doanh nghiệp thông qua mã số thuế của doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp được phân biệt bằng mã số thuế duy nhất. Sau đó tác giả thu được dữ liệu bảng với tổng số quan sát là 10.790 mỗi năm. Dữ liệu được lấy bao gồm 5 năm, từ năm 2013 đến năm 2017.
Thảo luận
Bảng 3 thể hiện các kết quả hồi quy trên các mô hình khác nhau. Cột (1) cho thấy kết quả hồi quy của mô hình tác động cố định (Fixed Effect Model) với các biến độc lập bao gồm: xuất khẩu, vốn nước ngoài, quy mô doanh nghiệp, tuổi doanh nghiệp, tiền lương và năng suất lao động của doanh nghiệp, biến giả ngành và biến giả vùng. Kết quả mô hình tác động cố định cho thấy xuất khẩu có hệ số âm và có ý nghĩa thống kê. Hệ số âm và có ý nghĩa thông kê cũng được thể hiện ở các biến năng suất lao động, quy mô doanh nghiệp và tiền lương.
Tuy nhiên, như đã đề cập trong phần phương pháp luận, biến xuất khẩu được kỳ vọng là biến nội sinh trong mô hình. Vì vậy, mô hình tác động cố định có thể tạo ra các ước lượng bị chệch. Ngược lại với mô hình tác động cố định, mô hình GMM ở cột (2) cho thấy tồn tại mối tương quan dương và có ý nghĩa thống kê giữa doanh nghiệp nước ngoài và cường độ năng lượng. Kết quả này phù hợp với nhận định của Anwar và Alexander (2016). Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hướng đến lợi nhuận nhiều hơn các doanh nghiệp khác, do đó họ sẽ tìm kiếm các phương án có thể giảm thiểu chi phí sản xuất bằng cách sử dụng nhiều năng lượng hơn thay vì dùng nhiều vốn. Mối quan hệ dương của biến doanh nghiệp nước ngoài và cường độ năng lượng tại Việt Nam một phần vì các quy định về môi trường chưa đủ chặt chẽ để quản lý và kiểm soát toàn bộ năng lượng tiêu thụ. Hơn nữa, do giá năng lượng ở Việt Nam thấp nên các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tận dụng những lợi thế này để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Việt Nam đang thực hiện chiến lược thu hút vốn nước ngoài bằng cách dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp này mà không có sự kiểm soát môi trường nghiêm ngặt của chính phủ.
Mô hình GMM cũng cho thấy, các doanh nghiệp lớn có hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ. Phát hiện này phù hợp với kết quả của Adom và Kwakwa (2014). Các doanh nghiệp lớn có lợi thế về quy mô khi sản xuất số lượng lớn sản phẩm, do đó các doanh nghiệp lớn có lợi thế về chi phí năng lượng so với các doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn có lợi thế về lao động và vốn nhiều hơn có thể thay thế một phần việc sử dụng năng lượng (Anwar và Alexander, 2016).
Ngoài ra theo kết quả của mô hình GMM, năng suất lao động và tiền lương lao động đại diện cho trình độ lao động có tác động tiêu cực đến cường độ năng lượng. Trình độ lao động cao hơn và năng suất lao động cao hơn khiến các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào công nghệ có hiệu suất năng lượng cao hơn (Adom và Kwakwa, 2014).
Kết luận
Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng xuất khẩu có tác động tiêu cực đến tiết kiệm năng lượng và có bằng chứng quan trọng khẳng định rằng các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng sử dụng nhiều năng lượng hơn các doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam. Năng suất lao động góp phần làm giảm cường độ sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Phân tích cũng cho thấy cường độ năng lượng tương đối thấp hơn ở các doanh nghiệp lớn. Trình độ lao động được chứng minh là một yếu tố quan trọng tác động đến cường độ sử dụng năng lượng.
Những kết quả này đưa ra một số gợi ý. Việt Nam thiết lập các biện pháp khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế này mang lại cả ưu và nhược điểm. Theo các quy định và quản lý môi trường còn khá lỏng lẻo ở Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài có thể lợi dụng giá năng lượng rẻ để kiếm lợi nhuận mà không cần cân nhắc đến hiệu quả sử dụng năng lượng và các vấn đề môi trường. Trong trường hợp này, Việt Nam phải trả giá vì thu hút vốn nước ngoài bằng mọi giá. Tóm lại, chất lượng môi trường được cho là sẽ thấp nếu không có quy định nghiêm ngặt về sử dụng năng lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Adom, P.K. & Kwakwa, P.A.,(2014),"Effects of changing trade structure and technical characteristics of the manufacturing sector on energy intensity in Ghana", Renewable and Sustainable Energy Reviews, Vol. 35, pp. 475–483;
- Batrakova, S., & Davies,R.B., (2012) "Is there an environmental benefit to being an exporter? Evidence from firm-level data", Review of World Economics, Vol.148, pp. 449–474;
- Cui, J., Lapan, H. E.& Moschini, G.,(2012), "Are exporters more environmentally friendly than non-exporters? Theory and evidence". Economics Working papers, Iowa State University;
- Eskeland, G.S., & Harrison, A.E., (2003) "Moving to greener pastures? multinationals and the pollution haven hypothesis", Journal of Development Economics, Vol. 70, pp. 1–23;
- Fisher-Vanden, K., Jefferson, G.H., Hongmei, L.,& Tao, Q., (2004), "What is driving China’s decline in energy intensity?", Resource and Energy Economics, Vol. 26, No.1, pp.77–97.