Nhân tố tác động đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của doanh nghiệp thương mại

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội.

Mỗi DN cần chủ động có giải pháp để tăng cường sự hợp tác với các DN khác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Nguồn: internet
Mỗi DN cần chủ động có giải pháp để tăng cường sự hợp tác với các DN khác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Nguồn: internet

Trong đó, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu về sự hợp tác theo chiều dọc của các doanh nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác này được xem xét phân tích bao gồm: Mức độ tín nhiệm; Quyền lực; Tần suất giao dịch; Độ thuần thục trong giao dịch; Khoảng cách và Văn hóa. Thông qua 192 phiếu khảo sát thu thập được từ các doanh nghiệp thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, sự ảnh hưởng đáng kể của các nhân tố này đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thương mại hiện nay.

Đặt vấn đề

Chuỗi cung ứng là một khái niệm không mới đối với thế giới, nhưng đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đây vẫn còn là vấn đề mới. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam còn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng đặc biệt của chuỗi cung ứng trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Chuỗi cung ứng luôn hàm chứa tính năng động và nó liên quan đến dòng sản phẩm, dòng tài chính giữa các giai đoạn khác nhau, và gắn liền với các thành phần khác nhau. DN muốn duy trì vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần và giảm chi phí, giành thế chủ động trong sản xuất kinh doanh, DN buộc phải hiểu rõ vai trò của chuỗi cung ứng. Nói cách khác, việc thiết lập được một chuỗi cung ứng thích hợp là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với mỗi DN và cả sự phát triển của ngành đó.

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Điện tử Việt Nam khoảng 20-30% trong giai đoạn 2000-2010. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã đạt hơn 57 tỷ USD, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu cả nước. Năm 2016, 2017 đà tăng trưởng với kim ngạch đạt lần lượt là 63,1 và 73,9 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây sự phát triển này đang có xu hướng chững lại, đặc biệt là TP. Hà Nội – địa phương tập trung phần lớn các DN kinh doanh ngành hàng điện tử. Sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử giữa các DN còn nhiều tồn tại, chưa được các DN quan tâm, chú trọng.

Nhân tố tác động đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của doanh nghiệp thương mại - Ảnh 1

Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng

Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào nghiên cứu sự hợp tác theo chiều dọc của các DN thương mại kinh doanh ngành hàng điện tử trên địa bàn Hà Nội. Vì đặc thù tập trung vào đối tượng DN thương mại nên các mối liên kết hợp tác giữa các tác nhân gồm: Quan hệ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, quan hệ giữa nhà phân phối (bán buôn) và các đại lý (nhà bán lẻ), quan hệ giữa đại lý (nhà bán lẻ) với các khách hàng. Các thành viên trong chuỗi gọi chung là các đối tác. Nghiên cứu tập trung xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến sựu hợp tác (giữa các đối tác) trong các mối liên hệ kể trên vì lợi ích mang lại cho các bên tham gia hợp tác.

Kết quả các nghiên cứu đã chỉ ra, đặc biệt là nghiên cứu của Backtrand, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng được xác định trong nghiên cứu gồm: Mức độ tín nhiệm của các đối tác; Quyền lực của các đối tác; Tần suất giao dịch giữa các đối tác; Độ thuần thục trong giao dịch giữa các đối tác; Khoảng cách giữa các đối tác, và Văn hóa hợp tác giữa các đối tác. Như vậy, mô hình nghiên cứu được xây dựng như Hình 1.

Phương pháp nghiên cứu

Để thu thập được các biến quan sát sử dụng cho nghiên cứu thực nghiệm, dựa trên mô hình nghiên cứu được xác định, nghiên cứu đã xây dựng bảng hỏi với thang đo 5 mức độ của Likert cho các nhân tố ảnh hưởng gồm 6 thành phần: Tín nhiệm; Quyền lực; Tần suất; Thuần thục; Khoảng cách; Văn hóa với 27 biến quan sát.

Nhân tố tác động đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của doanh nghiệp thương mại - Ảnh 2

Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, chủ yếu là các DN thương mại, bán buôn, bán lẻ các thiết bị điện tử tin học. Trong tổng số 250 phiếu khảo sát được gửi đi, kết quả thu về 192 phiếu, trong đó, có 176 phiếu hợp lệ được sử dụng làm dữ liệu cho quá trình nghiên cứu, để đánh giá thang đo và kiểm định các giả thiết.

Tỷ lệ khảo sát mẫu cho thấy, loại hình DN tập trung chủ yếu ở loại hình kinh tế ngoài Nhà nước với 43,8% là công ty cổ phần và 46% là Công ty TNHH; Các DN tập trung trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện tử, tin học với 133 DN (chiếm 75,6%); về quy mô, các DN với quy mô nhỏ (chiếm 72,2%) trong tổng mẫu khảo sát; về thời gian hoạt động nhiều nhất là các DN đa hoạt động được 5 đến 10 năm, với tỷ lệ 44,3%.

Kết quả nghiên cứu

Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Hệ số Crobach’s Alpha của 25 biến quan sát trong thang đo đều có giá trị >0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các nhân tố đều >0,3 cho thấy, thang đo phù hợp; các hệ số Cronbach’s Alpha khi loại bỏ đều nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo, vì vậy, thang đo có độ tin cậy, có ý nghĩa phân tích. Tồn tại 02 biến quan sát là KC4 và VH4 có hệ số Cronbach’s Alpha khi loại bỏ biến lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo vì vậy biến quan sát KC4 và VH4 bị loại bỏ.

Phân tích nhân tố khám phá EFA

Sau đó, các nhân tố được kiểm định thang đo bằng Cronbach’s Alpha tiếp tục được đưa vào phân tích khám phá nhân tố (EFA), nhằm thu gọn các biến quan sát thành các biến tiềm ẩn ít hơn, có ý nghĩa hơn trong việc giải thích mô hình nghiên cứu. Sử dụng phương pháp EFA với phép quay Varimax để phân tích 27 biến quan sát. Sử dụng phương pháp kiểm định (Kaiser-Meyer-Olkin) và Bartlett để đo lường sự tương thích của mẫu khảo sát được.

Kiểm định KMO và Bartlett’s cho thấy hệ số KMO là 0,825 (> 0,5) với mức ý nghĩa bằng sig = 0.000 (< 0,05) chứng tỏ giả thiết H0 “Các biến không tương quan trong tổng thể” bị bác bỏ. Điều này có nghĩa là các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể và phân tích nhân tố EFA là thích hợp. Có 6 nhóm nhân tố với mức giá trị Eigenvalues là 1.112 (>1) và tổng phương sai trích được là 81,221% (> 50%) tức là 81,221% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 nhân tố này. Thực hiện phương pháp nhân tố khám phá EFA với phép quay Varimax để phân tích lần hai với 25 biến quan sát.

Như vậy, quá trình phân tích nhân tố với mức giá trị Eigenvalues là 1,112 (>1), 27 biến thành phần ban đầu được nhóm lại trong 6 nhóm nhân tố Mức độ tín nhiệm, Quyền lực, Tần suất giao dịch, Thuần thục trong giao dịch, Văn hóa hợp tác và Khoảng cách với tổng phương sai trích được là 1,221% (> 50%) tức là 81,221% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 nhân tố này.

Nhân tố tác động đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử của doanh nghiệp thương mại - Ảnh 3

Phân tích tương quan tuyến tính và mô hình hồi quy

Kết quả phân tích tương quan giữa các nhân tố cho thấy, các nhân tố  đều có hệ số tương quan (r) có giá trị >0, giá trị sig < 0.05 thể hiện các biến có quan hệ tương quan tuyến tính và có ý nghĩa. Trên cơ sở kết quả phân tích tương quan tuyến tính, nghiên cứu đã tiến hành phân tích hồi quy và cho thấy, tất cả 6 nhân tố đều biểu đạt mức ý nghĩa (sig < 0.05). Với hệ số xác định R2 điều chỉnh = 0,877 cho thấy rằng các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được 87,7% sự thay đổi của biến phụ thuộc.

Từ bảng kết quả phân tích hồi quy Coefficients, giá trị Sig của các nhân tố đều < 0.05 cho thấy, hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê; hệ số phóng đại phương sai (VIF) có giá trị < 2 chứng tỏ mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến (các biến độc lập có tương quan chặt chẽ với nhau).

Từ kết quả hồi quy đa biến, nghiên cứu xây dựng được phương trình hồi quy tuyến tính đánh giá sự tác động của các nhân tố độc lập đến biến phụ thuộc “Hợp tác của các đối tác”  được xác định như sau:

HT= 0,111TN + 0,276QL + 0,022TS + 0,279TT + 0,306KC +0,318VH

Kết luận

Mô hình với 6 nhân tố nhưng chỉ phản ánh được 87,7% ảnh hưởng tới vấn đề nghiên cứu là sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Điều đó chứng tỏ vẫn còn những nhân tố khác, biến quan sát khác cũng ảnh hưởng tới sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử; nhưng chưa được đề cập tới do giới hạn về phạm vi và loại hình DN trong đề tài này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DN thương mại trên địa bàn Hà Nội đã ý thức về tầm quan trọng của sự hợp tác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử; thấy được sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động hợp tác trong kinh doanh. Bên cạnh đó, dù lĩnh vực kinh doanh này đang có sự tăng trưởng rất cao, nhưng đồng thời cạnh tranh cũng rất mạnh mẽ. Các DN đều ý thức được tính cạnh tranh và hợp tác đi liền với nhau nên đã quan tâm tới các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng nhưng sự hợp tác này chưa thật chặt chẽ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mỗi DN cần chủ động có giải pháp để tăng cường sự hợp tác với các DN khác trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho các DN và tạo môi trường hợp tác thông qua việc hình thành, tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội… ngành Điện tử phát huy vai trò kết nối và hỗ trợ của mình. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Vietnam Business Monitor (2017), Báo cáo “DN xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 – Ngành điện tử”, Vietnam Business Monitor;
  2. Huỳnh Thị Thu Sương, (2012), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng đồ gỗ, trường hợp nghiên cứu: vùng Đông Nam Bộ. Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  3. Trần Văn Hòe, Hoàng Thanh Tùng (2017), Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng, NXB Thống kê, Hà Nội;
  4. Jenny Backtrand (2007), Levels of Interaction in Supply Chain Relations, Chalmers University of technology;
  5. Mentzer và cộng sự (2001), Defining Supply Chain Management, Journal of Business Logistics.