Nhập hàng ngoại sẽ không được vay ngoại tệ
Từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không được cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay nữa.
Đó là quy định trong Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Lãnh đạo một số ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/4 năm nay các ngân hàng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.
Từ thời điểm đó, các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho doanh nghiệp chuyển đổi khoản vay sang VND sau đó mua lại ngoại tệ theo tỷ giá tại thời điểm vay tiền đồng để có ngoại tệ thanh toán hàng hóa nhập ngoại; miễn là doanh nghiệp vay vốn bằng VND phải chứng minh được mục đích sử dụng vốn rõ ràng mới được mua lại ngoại tệ của ngân hàng để thanh toán các đơn hàng ở nước ngoài.
Những doanh nghiệp nhập khẩu bánh kẹo, trái cây ngoại ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc vay tiền đồng để mua ngoại tệ thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu, tuy lãi suất có cao hơn so với vay ngoại tệ, song doanh nghiệp không phải lo rủi ro tỷ giá biến động.
“Mặc dù chi phí tài chính có tăng nhưng doanh nghiệp vẫn cân đối được trong hoạt động thương mại của mình”, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết. Quả vậy, hiện lãi suất tiền đồng cũng đang ở mức rất thấp. Đó là chưa kể việc các nhà băng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, chênh lệch lãi suất đô - đồng hiện cũng không quá lớn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, chủ trương dừng cấp tín dụng ngoại tệ ngắn hạn vào cuối tháng 3 và tín dụng ngoại tệ trung, dài hạn nhằm mục đích thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ về dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, điều này còn nằm trong chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế, khi mà chiều huy động vốn bằng USD từ nhiều năm nay các NHTM đã không trả lãi.
Theo đó, tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn cấp cho những mặt hàng thiết yếu quốc gia để thanh toán ra nước ngoài như xăng, dầu… Đối với tín dụng ngoại tệ phục vụ hỗ trợ xuất khẩu, ngân hàng cũng chỉ cấp tín dụng ngoại tệ trên hợp đồng vay, nhưng ngân hàng giải ngân bằng tiền đồng cho các nhà xuất khẩu thu gom nguyên liệu trong nước sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, sau khi thu ngoại tệ về cam kết bán lại cho ngân hàng đã cho vay ngoại tệ. Theo đó, về lâu dài Chính phủ và NHNN Việt Nam sẽ chuyển hẳn sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6/2019 dư nợ tín dụng ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn đạt chiếm khoảng 8,73% tổng dư nợ tín dụng tương đương với 176.466 tỷ đồng (quy đổi). Theo đó, dư nợ tín dụng bằng VND hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn với khoảng 91,87% tổng dư nợ. Các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng tốc độ cho vay bằng VND có thể sẽ tăng lên nhiều hơn từ quý IV/2019 sau khi quy định chính thức không cho vay ngoại tệ đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về phân phối trong nước.