Người dân “quay lưng” với tiền gửi ngoại tệ?
Do lãi suất huy động VND tăng cao, duy trì một khoảng cách chênh lệch khá lớn so với lãi suất huy động USD, nên dòng tiết kiệm từ khu vực dân cư đang có xu hướng dịch chuyển sang VND.
Tiền gửi ngoại tệ sụt giảm
Đã lâu không thấy ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin về hoạt động huy động vốn của các ngân hàng nói chung và huy động vốn ngoại tệ nói riêng. Số liệu gần đây nhất của Tổng cục Thống kê cũng chỉ cho biết về hoạt động huy động vốn nói chung mà không có số liệu về hoạt động huy động ngoại tệ.
Cụ thể, tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,03%); huy động vốn của các TCTD tăng 6,09% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,76%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22% (cùng kỳ năm 2018 tăng 6,1%).
Tuy nhiên, soi báo cáo tài chính bán niên 2019 của các nhà băng có thể thấy tiền gửi ngoại tệ từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế đang sụt giảm khá nhanh.
Đơn cử như Vietcombank, mặc dù là một NHTM Nhà nước lớn có bề dày uy tín thương hiệu, lại thêm thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, nhưng tính đến cuối tháng 6/2019, tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại nhà băng này chỉ 135.932 tỷ đồng, giảm 7.360 tỷ đồng so với cuối năm trước. Trong khi đó, do tổng nguồn vốn huy động của Vietcombank tăng 8,6% trong 6 tháng đầu năm lên 870.860 tỷ đồng, nên tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng vốn huy động giảm nhanh về còn 15,6% từ mức 17,9% tại thời điểm cuối năm 2018.
Vốn huy động bằng ngoại tệ của VietinBank cũng vậy khi mà đến cuối tháng 6/2019, nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng cũng chỉ đạt 54.211 tỷ đồng, giảm 1.744 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động cũng giảm từ mức 6,78% xuống 6,4%.
Tiền gửi ngoại tệ của một ông lớn khác là BIDV cũng trong tình trạng tương tự khi đã giảm 2.493 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm xuống còn 47.847 tỷ đồng; tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ cũng giảm từ 5,08% xuống còn 4,51%.
Như vậy chỉ riêng 3 NHTM Nhà nước này, tiền gửi ngoại tệ đã giảm 11.597 tỷ đồng, nếu quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại thời điểm cuối tháng 6, tương đương giảm gần 500 triệu USD.
Với các NHTM Nhà nước lớn đã vậy, lẽ đương nhiên nguồn tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng nhỏ lại càng èo uột hơn. Chẳng hạn như VIB, đến cuối tháng 6/2019, nguồn tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại ngân hàng này chỉ là 5.606 tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Trong khi nguồn vốn huy động VND lại tăng tới 16,8% lên 99.158 tỷ đồng, khiến tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ giảm nhanh về còn 5,65% từ mức gần 7% của cuối năm trước.
Giữ VND có lợi hơn
Theo một chuyên gia ngân hàng, diễn biến nói trên là hoàn toàn hợp lý. Dòng vốn vẫn đang có xu hướng dịch chuyển từ ngoại tệ sang VND.
Sở dĩ như vậy, theo vị chuyên gia này, là bởi thị trường ngoại hối những tháng đầu năm nay khá ổn định. Ngoại trừ khoảng thời gian biến động khá ngắn hồi cuối tháng 5 vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhìn chung tỷ giá chỉ biến động trong biên độ khá hẹp. Tính đến cuối tháng 6/2019, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 241 đồng so với cuối năm 2018, tương đương tăng 1,06%; trong khi giá mua – bán USD tại các ngân hàng tăng 120 đồng/USD, tức mới tăng khoảng 0,5%.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động VND được neo ở mức khá cao, cao nhất là 5,5% với các kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất lên tới 7,5%/năm; 9 tháng cao nhất là 7,8%/năm; 12 tháng cao nhất là 8%/năm; 18 tháng cao nhất là 8,5%/năm và 24 tháng cao nhất là 8,6%/năm.
Còn lãi suất huy động USD từ lâu đã được giảm về còn 0%. Có nghĩa chênh lệch lãi suất VND – USD cao nhất lên tới 8,6%/năm; còn với kỳ hạn 1 năm, chênh lệch lãi suất cũng là 8%- một mức rất cao.
Rõ ràng với mức chênh lệch lãi suất đồng - đô lớn như vậy thì ngay cả trong trường hợp tỷ giá năm nay có tăng tới 3% như kịch bản xấu nhất mà một số tổ chức dự báo thì giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn.
Mặc dù vậy, hiện VND đang chịu áp lực giảm giá rất lớn từ sự lao dốc của đồng Nhân dân tệ. Trong bối cảnh đó, không loại trừ trường hợp nhu cầu nắm giữ ngoại tệ sẽ tăng. “Tâm lý găm giữ ngoại tệ thường có xu hướng tăng trong bối cảnh thị trường ngoại hối, tỷ giá biến động mạnh”, vị chuyên gia nói trên cảnh báo. Song theo ông, NHNN sẽ không để VND mất giá quá mạnh, hay tỷ giá tăng quá nhanh do lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể khiến Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ.
Trong một báo cáo chuyên đề vừa được công bố mới đây, Công ty chứng khoán KB cũng cho rằng, với việc VND sẽ có thể đối mặt với rủi ro mất giá mạnh trong nửa cuối năm 2019 (do Nhân dân tệ trượt giá), NHNN sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá dưới mức mục tiêu 3%, cũng như giúp Việt Nam tránh vi phạm quy định mua ròng ngoại tệ trên 2% GDP (một trong những tiêu chí để Mỹ đánh giá một quốc gia là thao túng tiền tệ).