Nhập siêu 4 tháng đầu năm: Không đáng lo ngại
(Taichinh) - Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa nhập siêu của cả nước đạt 3 tỷ USD, bằng 6% kim ngạch xuất khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tái nhập siêu này chưa phải là điều bất thường, bởi nhập khẩu của nước ta tập trung vào máy móc, nguyên vật liệu; các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng nhưng có giá trị không cao.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 4/2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu nước ta đạt 13,8 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong 4 tháng qua, nước ta nhập siêu đạt 3 tỷ USD, bằng 6% kim ngạch xuất khẩu.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là nhập siêu như vậy có đáng lo hay không? Bởi trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta thường xuyên tăng nhanh hơn kim ngạch nhập khẩu.
Từ năm 2012 đến nay nền kinh tế luôn trong tình trạng xuất siêu, đặc biệt, năm 2014, nước ta đã xuất siêu xấp xỉ 2 tỷ USD - con số chưa từng có từ trước tới nay. Điều này phản ánh xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế nước ta thời gian qua.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tái nhập siêu trong 4 tháng qua chủ yếu xuất phát từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước.
Trong đó, tập trung vào các mặt hàng máy móc, nguyên vật liệu; các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu cũng có tăng nhưng không cao. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2014, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,5 tỷ USD, tăng 44,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 36,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 30,5%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1.165 triệu USD, tăng 27,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 1.163 triệu USD, tăng 24,2%...
Ngoài ra, năm 2015 cũng là năm nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng với các nước đối tác, cùng với đó là sự tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Do vậy, nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng, khiến cho nhập khẩu tăng. Đây là yếu tố không đáng lo ngại.
Cùng quan điểm này, Bộ Công thương cho rằng, trong 4 tháng qua, nước ta nhập siêu 3 tỷ USD chưa phải là điều bất thường. Đối với nền kinh tế, việc tăng nhập khẩu công nghệ, máy móc trang thiết bị cao cấp giúp nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, nhờ đó tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.
Trong điều kiện ngành sản xuất nguyên liệu trong nước chưa phát triển thì nhập khẩu nguyên liệu giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện chiến lược phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa.
Tuy nhiên, để kiểm soát tình trạng nhập siêu, thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2015 và những năm tiếp theo, hiện Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa một số thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường trọng tâm, trọng điểm, có nhu cầu lớn; chủ động, tích cực trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu...
Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế; rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu...