Nhập nước và nhập siêu
(Taichinh) - Giảm bớt nhập siêu và rộng hơn là tìm sự cân bằng trong quan hệ giao thương với Trung Quốc nổi lên như một trong những vấn đề trọng yếu về kinh tế và an ninh quốc gia khi người láng giềng phương Bắc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, sau những quyết tâm được tỏ rõ lúc đầu, một năm đã trôi qua và tình hình có rất ít thay đổi.
Số liệu thống kê cho thấy trong bốn tháng đầu năm 2015, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 4,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,2%, nhập khẩu từ quốc gia này lại ở mức 15,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 26%. Như vậy, chỉ trong vòng bốn tháng, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã lên đến 10,7 tỉ đô la Mỹ, bằng 37% mức nhập siêu từ Trung Quốc của năm 2014.
Thực ra, nhập siêu với Trung Quốc là một đề tài rất cũ. Nhưng cho đến nay, các giải pháp xem ra chưa có gì mới trong khi bối cảnh tổng thể không còn như xưa, thiết nghĩ đặt lại vấn đề này cũng không thừa.
Nhiều người cho rằng sẽ là khập khiễng nếu so sánh nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc với việc Singapore nhập khẩu nước từ Malaysia. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của người Singapore lại có thể là những bài học cần được nghiên cứu kỹ hơn.
Ai cũng nhắc đến sự thần kỳ trong phát triển kinh tế của Singapore, nhưng không phải ai cũng biết đảo quốc này tồn tại như thế nào trong bối cảnh một quốc gia không thể tự cung cấp nước ngọt cho mình. Ngay từ ngày đầu tiên, Singapore phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước từ quốc gia láng giềng. Vì thế, khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, có vị lãnh đạo Malaysia đã nói đại khái, muốn đảo quốc nhỏ bé này quỳ gối, thì họ chỉ cần đưa tay “khóa van nước”.
May cho Singapore, có người không xem đe dọa này chỉ là lời nói suông. Người đó là Thủ tướng Lý Quang Diệu. Và ngay từ ngày độc lập đầu tiên, ông Lý đã đau đáu với việc thực hiện kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ quốc gia láng giềng. Đến nay, từ việc phải nhập gần như hoàn toàn nước từ Malaysia, Singapore đã đa dạng hóa nguồn cung cấp nước với chiến lược “bốn vòi nước quốc gia” (four national taps), bao gồm nguồn nước mưa, nước nhập từ Malaysia, nước sử dụng lại, và nước lọc từ nước biển.
Có thể nói bài học thành công ở đây gồm tầm nhìn lãnh đạo, chiến lược đúng đắn, tổ chức và quyết tâm thực hiện, cũng như khả năng huy động nguồn lực toàn dân.
Trở lại với trường hợp Việt Nam. Cũng như Singapore với nước nhập từ Malaysia, ý tưởng chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc ngay tại thời điểm này là rất khó thực hiện. Trong nền kinh tế thế giới liên lập hiện nay, các quốc gia đều phụ thuộc vào nhau ở một mức độ nào đó. Nhưng giảm bớt nhập siêu với Trung Quốc về lâu về dài là khả thi.
Điều chúng ta cần để giải bài toán khó này là các đối sách đúng đắn và quyết tâm dài hơi, trong đó vấn đề căn bản phải thực hiện là cơ cấu lại nền kinh tế. Từng doanh nghiệp cần ý thức được sự đóng góp của mình trong kế hoạch chung của đất nước. Nhưng hơn ai hết, Nhà nước cần có một chiến lược tổng thể trên bình diện quốc gia và đóng vai trò nhạc trưởng điều phối chung cho cả dàn nhạc.
Nếu ai đó trong chúng ta còn nghi ngại về điều này, hãy nghĩ đến giàn khoan 981!