Nhật Bản - Con nợ lớn không bao giờ vỡ nợ

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Đại học Lincoln (Malaysia)

Có lẽ trong lịch sử kinh tế hiện đại chưa quốc gia nào phá vỡ kỳ tích của Nhật Bản về món nợ Chính phủ mà ai cũng phải nể trọng, kể cả Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhật là con nợ lớn nhất thế giới nếu xét về món nợ Chính phủ theo phần trăm trên GDP niêm yết công khai chính thức. Mức nợ này của Nhật Bản năm 2015 là gần 230% so với GDP kinh tế của Nhật Bản tạo ra 4.123 tỷ USD.

Con số nợ lớn nhất thế giới này khiến người ta khó hiểu, làm thế nào Chính phủ Nhật trả được hết nợ nần? Tuy mắc nợ như vậy, nhưng sản lượng năng suất trái phiếu quốc gia của Nhật nếu phát hành “bằng ngoại tệ” lại rất thấp.

Nếu Chính phủ Nhật Bản phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm, bây giờ chỉ trả lãi suất dài hạn (lãi suất trái phiếu) là siêu an toàn và siêu thấp chỉ cỡ 0,09%, thậm chí không cần trả lãi. Do đó, dù có mắc nợ lớn thì Nhật Bản không bị áp lực trả lãi. Điều này cũng giải thích phần nào lý do Nhật Bản nợ cao nhưng lại rất khó vỡ nợ, vì không bị áp lực trả lãi các chỉ số phân tích trên.

Lý do, hầu hết các khoản nợ của Nhật Bản đều do công dân Nhật làm chủ đầu tư và chủ nợ, và khi vay nợ nước ngoài hầu hết các khoản nợ đều niêm yết bằng đồng yen (JPY), tức là nợ trong nước hay nợ nước ngoài đều như nhau.

Điều đó có nghĩa, dù nợ nhiều, nhưng Nhật không bị áp lực tăng lãi suất của chủ nợ hay bị áp lực trả lãi cao khi vay nợ nhiều. Nói cách khác, các khoản nợ của Nhật là “nước Nhật nợ người Nhật”. Tức là chủ nợ và con nợ là người dân và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Điều đó cũng có nghĩa, BoJ tự quyết định lãi suất chứ không dựa vào phân tích và cảnh báo Nhật sẽ vỡ nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trên thế giới cũng hiếm có quốc gia nào như Nhật Bản, nước duy nhất duy trì lãi suất siêu thấp, ở mức 0% kể từ tháng 2/1999 cho đến năm 2017, mà không tạo ra lạm phát. Nhìn lại giai đoạn từ năm 1989, BoJ tăng lãi suất để hạ nhiệt bong bóng địa ốc, trong suốt thập kỷ đó, nền kinh tế tăng trưởng không quá 2%.

Tới thời điểm này không những lãi suất của Nhật ở mức 0% mà lại rơi xuống -0,10%. Trong thời gian đó mức lãi suất cao nhất mà BoJ duy trì là vào ngày 21/2/2007 khi BoJ tăng giá lãi suất đồng JPY ở mức 0,5%. Tháng 12/1973, nền kinh tế Nhật rơi vào giai đoạn khó khăn nhất thì lãi suất niêm yết bằng đồng JPY đạt mức cao kỷ lục là 9% và sau đó cũng quay về mức 0%.

Nhật Bản duy trì ngôi vị chủ nợ số 1 của Mỹ nhiều năm, và chỉ mất ngôi vương vào tháng 12/2008, khi đó Nhật nắm giữ 626 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, trong khi Trung Quốc là 727,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tháng 11/2016, Nhật chính thức lấy lại ngôi vị khi nắm giữ tài sản trái phiếu kho bạc Mỹ lên đến 1.108,6 tỷ USD (Trung Quốc là 1.049,3 tỷ USD) theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố.

Qua đó cho thấy, hiện nay đồng JYP mới có đủ tiềm lực hạ giá đồng USD, nếu cần BoJ sẽ bán ồ ạt trái phiếu kho bạc Mỹ thì cho dù FED tăng lãi suất đồng USD thì vẫn sụt giá, thậm chí cả khi Nhật Bản bán tài sản của họ thì giá trị đồng JPY vẫn luôn hấp dẫn giới đầu tư.

Tháng 9/2010, Chính phủ Nhật từng bán cổ phần bằng đồng JPY lần đầu tiên trong 6 năm, tỉ giá hối đoái của JPY tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1995 (so với đồng USD trận động đất Kobe khiến tư bản Nhật ở ngoài rút tiền về tái thiết đất nước).

Tháng 10/2011, trong lúc khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu chưa ra khỏi suy thoái, giới đầu tư mua vào tài sản Nhật làm tăng giá đồng JPY cao đến mức chỉ 75,74 JPY đổi ra 1 USD.

Nhật Bản là một trong những nước có GDP bình quân đầu người theo đồng giá sức mua (PPP) thu được bằng cách chia tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia, được điều chỉnh bởi sức mua tương đương. Cụ thể, GDP bình quân đầu người PPP của dân Nhật năm 2014 là 35.634,97 USD/năm.

Trong khi thu nhập GDP bình quân đầu người của dân Nhật lại là 37.595,18 USD/năm (năm 2015 thì GDP bình quân đầu người PPP 35.804 USD, thấp hơn thu nhập thực tế 44.657 USD)… GDP (danh nghĩa) luôn thấp hơn GDP (PPP) chứ không cao như những nước nghèo hay ảo giác vào GDP (PPP).

Sản lượng kinh tế GDP của Nhật lớn gấp gần 25 lần sản lượng kinh tế của Việt Nam. Nhật có dự trữ ngoại tệ rất lớn, nên mặc dù đồng JPY bị mất giá nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng đồng JPY tăng giá khi kinh tế Nhật lành mạnh, hoặc có thể bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ làm đồng JPY có thể tăng giá bất cứ khi nào họ cần.

Tháng 1/2017, dự trữ ngoại hối của Nhật đạt 1.232 tỷ USD (1.092 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ), trong khi mức dự trữ ngoại hối cao nhất là 1.307 tỷ USD vào tháng Giêng năm 2012.