Nhật Bản đưa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại
Chính phủ Nhật Bản sẽ tìm cách đưa gần như toàn bộ 36 lò phản ứng hạt nhân, bao gồm những nơi đang xây dựng để đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Theo The Nation ngày 18/2, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tận dụng tối đa năng lượng hạt nhân, loại năng lượng không thải ra CO2 vì họ đang chuẩn bị cho nhu cầu điện tăng đột biến từ các trung tâm dữ liệu.
Cam kết được đưa ra trong kế hoạch năng lượng cơ bản đã sửa đổi được thông qua tại cuộc họp nội các. Đây là thông tin đáng chú ý, thể hiện sự thay đổi chính sách lớn sau khi chính phủ Nhật Bản tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt kể từ sau sự cố ba lò phản ứng hạt nhân năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Kế hoạch cơ bản đã đặt ra định hướng cho chính sách năng lượng trung hạn đến dài hạn của đất nước. Chính phủ Nhật Bản sẽ tìm cách đưa gần như toàn bộ 36 lò phản ứng hạt nhân của đất nước, bao gồm cả những lò đang được xây dựng vào hoạt động. Đồng thời cho biết điện hạt nhân dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện của nước này trong năm tài chính 2040.
Trong kế hoạch sửa đổi, chính phủ Nhật Bản cũng cho biết cần phải nghiêm túc xem xét các mối lo ngại về an toàn của năng lượng hạt nhân sau khi nhận được tới 40.000 ý kiến công khai về chính sách năng lượng của mình.
"Chúng tôi sẽ giải thích cẩn thận lý do tại sao năng lượng hạt nhân là cần thiết để xua tan các mối lo ngại", Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoji Muto phát biểu tại một cuộc họp báo.
Kế hoạch mới kêu gọi nâng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 40-50% tổng số, tăng từ mức 22,9% trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3 năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ điện nhiệt xuống còn khoảng 30-40% tổng số từ mức khoảng 70% hiện nay. Quốc gia này cho biết đang xem xét các biện pháp hỗ trợ nhằm thu hút các công ty đến các khu vực có nguồn điện hiệu quả trong việc giảm phát thải carbon như năng lượng tái tạo và nhà máy điện hạt nhân để kinh doanh, hoạt động sản xuất.