Nhật Bản: Hơn 40% người lao động muốn làm việc tiếp sau khi nghỉ hưu
Hơn 40% người lao động Nhật Bản muốn được tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Đây là kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda công bố mới đây.
Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 1.800 nhân viên toàn thời gian, bán thời gian và công chức từ 20 đến 60 tuổi tại Nhật Bản. Kết quả công bố cho thấy, có tới 43,9% người được hỏi mong muốn tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, 35,7% số người được hỏi cho biết họ muốn tiếp tục cống hiến lâu hơn do có mức độ hài lòng cao trong công việc hiện tại và cân bằng được với đời sống cá nhân của mỗi người.
Về lý do muốn làm việc sau tuổi nghỉ hưu, có tới 37,7% người được hỏi cho biết tiền tiết kiệm và lương hưu không đủ trang trải chi phí sinh hoạt; trong khi 38,9% trả lời “muốn có tự do tài chính”. Điều này cho thấy nhiều người đang nghĩ đến việc làm việc do lo lắng về chi phí sinh hoạt trong tương lai.
Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét phương án cho phép người lao động làm việc đến năm 65 tuổi kể từ tháng 4/2025. Chuyên gia kinh tế thuộc Viện Meiji Yasuda cho rằng các công ty cần đảm bảo duy trì mức độ hài lòng cao và cân bằng giữa công việc và cuộc sống thường nhật của người lao động nếu muốn khuyến khích người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc ở độ tuổi nghỉ hưu.
Nhật Bản vốn quy định tuổi nghỉ hưu là 60, tuy nhiên, nước này sửa luật vào năm 2013, yêu cầu các công ty tiếp tục để nhân viên làm việc cho đến 65 tuổi nếu người lao động muốn. Các doanh nghiệp ban đầu phản đối sự thay đổi này vì sợ tăng chi phí. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động hiện nay đang khiến họ thuê ngày càng nhiều lao động lớn tuổi.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Nội vụ, Truyền thông Nhật Bản hồi đầu tháng 8/2023 công bố số liệu cho biết tỷ lệ công ty tuyển dụng lao động trên 70 tuổi trong năm 2022 là 39%, gấp đôi so với mức năm 2012./.