Vì sao ASEAN cần thu hút "viện trợ xanh" từ Nhật Bản?
Nhật Bản có thể hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á chuyển đổi sang năng lượng tái tạo bằng việc tăng cường vốn đầu tư trong lĩnh vực này.
Thông qua mối quan hệ chặt chẽ với các nước ASEAN, Nhật Bản đang quảng bá công nghệ khí hậu ở Đông Nam Á bằng cách thúc đẩy quá trình khử cacbon.
Các hiện tượng cực đoan đang trở nên phổ biến ở Đông Nam Á do khủng hoảng khí hậu. Các nhà khoa học cho biết những hiện tượng này sẽ còn trở nên thảm khốc hơn nếu thế giới không hạn chế mức tăng thêm nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C và cắt giảm lượng khí thải xuống mức 0 vào năm 2050.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển ở Manila, từ năm 2016 đến năm 2022, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn thứ hai cho việc mở rộng khí đốt ở Đông Nam Á khi quốc gia này chi khoảng 15 tỷ USD.
Vào tháng 2/2023, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt Chính sách chuyển đổi xanh, theo đó Tokyo sẽ tìm cách huy động 150 nghìn tỷ yên (1 nghìn tỷ USD) tài chính công và tư nhân để thúc đẩy nỗ lực khử cacbon và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Á.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, kế hoạch này chủ yếu dựa vào khí đốt và nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), amoniac và hydro. Việc áp dụng những công nghệ này có thể khiến châu Á không thể đạt được mục tiêu khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm dưới 1,5 độ C.
Mặc dù việc khai thác các mỏ dầu và khí đốt hiện nay có thể đẩy nhiệt độ thế giới vượt quá 1,5 độ C, Nhật Bản vẫn đang tích cực hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ thêm nhu cầu khí đốt trên khắp châu Á. Điều này sẽ có lợi cho các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries, nhà sản xuất tua-bin khí lớn.
Tương tự như vậy, sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho CCUS cũng đang bị đặt câu hỏi. Ngay cả khi hiệu quả của công nghệ vẫn chưa được chứng minh, việc áp dụng nó đang tạo điều kiện cho việc mở rộng khai thác dầu khí hơn là giảm lượng khí thải carbon.
Việc Nhật Bản thúc đẩy công nghệ cho phép các nhà máy điện than sử dụng một phần nhiên liệu bằng amoniac cũng bị giám sát chặt chẽ. Việc đốt amoniac đắt hơn năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió và ít hữu ích hơn trong việc loại bỏ khí thải. Tuy nhiên, các công ty như JERA đang đẩy mạnh việc đưa amoniac vào các nhà máy ở Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Để tồn tại trong cuộc khủng hoảng khí hậu, châu Á rất cần chuyển đổi từ các hệ thống năng lượng hiện có, phần lớn dựa vào nhiên liệu hóa thạch, sang năng lượng mặt trời và gió. Một số chuyên gia ở Philippines tin rằng khu vực ASEAN có thể loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040 và chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.
Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP28 ở Dubai, nhiều nước đã tham gia cam kết tìm cách tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 để duy trì mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay. Tuy nhiên, năng lượng mặt trời và gió hiện chỉ chiếm 5% tổng sản lượng điện ở các nước ASEAN. Để đáp ứng mục tiêu 1,5 độ C, con số này cần tăng lên 23% vào năm 2030.
Ước tính có khoảng hơn 99% tiềm năng năng lượng mặt trời và gió ở ASEAN vẫn chưa được khai thác, nhưng nguồn vốn đầu tư khai thác lĩnh vực tiềm năng này đang tụt hậu rất xa, với chưa đến 8 tỷ USD được đầu tư hàng năm từ năm 2016 đến năm 2021.
Do đó, đây là cơ hội để Nhật Bản tăng cường đầu tư vào ASEAN. Trong bài viết của mình trên tờ Nikkei Asia Review, ông Raoul Manuel, thành viên Hạ viện Philippines cho rằng, Tokyo nên chuyển hướng đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.
"Nếu điều này không xảy ra và nhiệt độ tăng thêm ở châu Á vượt quá 1,5 độ C thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ sinh thái và cuộc sống của người dân trong chính khu vực', ông Raoul cho biết.
Ông Raoul nói thêm, tại Philippines, hoạt động phát triển khí đốt tràn lan ở Hành lang Đảo Verde phía nam Đảo Luzon đã đe dọa môi trường sống của hơn 1.700 loài cá ven bờ và sinh kế của hơn 2 triệu người Philippines. Do đó, khu vực này không thể tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và trì hoãn việc theo đuổi năng lượng tái tạo.
Là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, Nhật Bản cần tăng cường vai trò trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Quốc gia này có thể cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà không tạo gánh nặng nợ nần cho họ.
Tuy nhiên, hầu hết số nguồn vốn mà Nhật Bản và các quốc gia tiên tiến khác tham gia vào Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP dự định cung cấp cho Indonesia và Việt Nam đều ở dạng cho vay.
"Việc cho vay như vậy sẽ tạo ra gánh nặng trả nợ cho các nước đang phát triển này trong nhiều năm tới. Do đó, việc cấp vốn đầu tư này nên được thực hiện dưới hình thức viện trợ để ghi nhận trách nhiệm của các nước phát triển, vốn đã tạo ra nhiều khí thải nhất trong lịch sử", ông Raoul lưu ý.
Các quốc gia ASEAN có thể yêu cầu Tokyo tăng cường thể hiện vai trò lãnh đạo về khí hậu bằng cách tăng nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đây là một chiến lược thực sự phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C và mang lại cho Đông Nam Á cơ hội tốt nhất để tránh những thảm họa khí hậu tiếp theo.