Nhiều công ty Mỹ lách luật để bán hàng cho Huawei
Lợi dụng một số quy định về việc dán nhãn hàng sản xuất, nhiều công ty Mỹ đã có thể tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei, bất chấp lệnh cấm giao dịch với tập đoàn Trung Quốc này của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin cho biết, một số công ty dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất chip của Mỹ như Intel và Micron đã tìm ra cách để không phải dán tem “do Mỹ sản xuất” lên những sản phẩm của mình. Theo đó, hàng hoá do các công ty Mỹ sản xuất bên ngoài lãnh thổ nước này không phải lúc nào cũng được xem là hàng do Mỹ sản xuất; và như vậy, sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm giao dịch với Huawei của ông Trump.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích Steven Fox thuộc công ty nghiên cứu thị trường Cross Research cho biết, nhiều công ty với trụ sở tại Hoa Kỳ vẫn có thể thông qua quyền sở hữu các công ty con và dây chuyền hoạt động ở nước ngoài để nhận định công nghệ mình đang sử dụng là của nước ngoài. Cụ thể, nếu một con chip có ít hơn 25% công nghệ xuất xứ từ Mỹ, thì nó sẽ không nằm trong danh sách bị cấm.
Lợi dụng kẽ hở này, các nhà sản xuất chip của Mỹ hoàn toàn có thể lách khỏi lệnh trừng phạt của chính quyền Trump một cách hợp pháp. “Họ (các nhà sản xuất chip) đã phải mất nhiều tuần để phát hiện ra điều này. Những gì họ làm là đọc văn bản luật và các quy định, rồi áp dụng chúng vào công việc kinh doanh” - Fox nói.
Theo ông Sanjay Mehrotra - CEO của Micron, công ty đã bán hàng trở lại cho Huawei trong 2 tuần vừa qua, sau khi xem xét kỹ các lệnh cấm của Washington về việc cấm bán công nghệ Mỹ cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.
Ông Mehrotra khẳng định, “việc tiếp tục bán một số sản phẩm là hoàn toàn hợp pháp”, vì chúng không chịu ràng buộc với quy định cấm xuất khẩu cũng như danh sách mặt hàng bị hạn chế. “Tuy nhiên, những bất ổn xung quanh Huawei đang ngày một tăng lên, và chúng tôi không thể đưa ra dự báo cụ thể về số lượng sản phẩm cũng như thời gian mà chúng tôi sẽ có thể chuyển hàng đến Huawei” - vị CEO nói.
Được biết, Huawei là khách hàng số một của Micron, và lệnh cấm của chính quyền Trump đã khiến cho công ty này thiệt hại khoảng 200 triệu USD trong 3 tháng qua. Sau tuyên bố nối lại việc bán hàng cho Huawei, cổ phiếu của Micron đã tăng khoảng 10% trong phiên ngày thứ Ba.
Không chỉ cải thiện tình hình kinh doanh cho Micron, các đợt bán hàng khôi phục nhờ “lách luật” cũng giúp Huawei tiếp tục bán các sản phẩm của mình, và cho thấy sự khó khăn trong việc kiểm soát ngay cả những công ty bị đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ an ninh như Huawei của chính quyền Trump. Đồng thời, những diễn biến thực tế cũng hé lộ các hậu quả không mong muốn có thể xảy ra từ việc thay đổi mạng lưới quan hệ thương mại - mối dây liên kết chặt chẽ giữa ngành công nghiệp điện tử thế giới và thương mại toàn cầu.
John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ - tuần trước cho biết: “Các công ty thuộc Hiệp hội đều cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy định xuất khẩu của Mỹ. Sau khi đã thảo luận với Chính phủ, hiện đã rõ một số sản phẩm vẫn có thể được cung cấp cho Huawei, phù hợp với danh sách mặt hàng bị hạn chế và quy định hiện hành”.
"Tác động đối với mỗi công ty là khác nhau, tùy theo từng sản phẩm và chuỗi cung ứng cụ thể. Mỗi công ty phải tìm ra cách tốt nhất để vừa kinh doanh, vừa đảm bảo thực thi lệnh cấm” - ông Neuffer nói.
Trong một diễn biến khác, CEO Huawei Nhậm Chính Phi hồi đầu tháng cho biết, doanh số smartphone tại nước ngoài của công ty đã giảm tới 40%, do ảnh hưởng của lệnh cấm. Tuy nhiên, ông khẳng định tập đoàn sẽ sống sót và vươn lên mạnh mẽ. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chết” - ông Nhậm tuyên bố.
Hiện, các công ty Mỹ vẫn có thể bán công nghệ hỗ trợ sản phẩm Huawei cho tới giữa tháng 8 năm nay, theo quyết định gia hạn của chính quyền. Tuy nhiên, lệnh cấm bán linh kiện, bộ phận cho các sản phẩm của Huawei vẫn sẽ được thực thi sau thời gian đó.
Cũng theo New York Times, dù chính quyền đã biết về các thương vụ lách luật này, song giới chức Washington vẫn chưa thống nhất cách xử trí, ít nhất là trước khi ông Tập và ông Trump có cuộc gặp tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản với mục tiêu nối lại đàm phán thương mại.
Một số quan chức Mỹ rằng, việc tiếp tục bán hàng đã vi phạm tinh thần của lệnh cấm và làm giảm hiệu lực của những biện pháp gây sức ép với Huawei của chính quyền. Ngược lại, số khác lại bày tỏ sự ủng hộ, vì cho rằng nó góp phần giảm nhẹ thiệt hại với doanh nghiệp Mỹ, khi phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm này.