Nhiều địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy nhanh việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài chính; các sở, ban, ngành và UBND từ tuyến tỉnh đến xã, thị trấn; hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh… cần phối hợp chặt chẽ để triển khai kế hoạch theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện theo Kế hoạch.
Theo Kế hoạch, các công tác triển khai như tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các nội dung của Kế hoạch cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bằng các hình thức như văn bản, làm việc, hội nghị, đăng website... sẽ được đặt lên hàng đầu.
Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đào tạo cử 8 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo về chuyên gia năng suất chất lượng, giảng viên năng suất chất lượng, cán bộ quản lý năng suất chất lượng.
Đặc biệt, chú trọng công tác tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng, về quản lý đổi mới sáng tạo ISO 56000, về chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và nhận thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù. Tiếp tục tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp và áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Bên cạnh Quảng Nam, vừa qua, tỉnh Tuyên Quang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 -2025.
Mục tiêu chung của Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trên cơ sở mục tiêu chung, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại địa phương.
Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng cho trên 500 lượt người thuộc các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp; đào tạo về chuyên gia năng suất, chất lượng cho ít nhất 10 người thuộc các sở, ngành, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có 30 doanh nghiệp trở lên được hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Kế hoạch còn đặt ra các mục tiêu khác như: hướng dẫn, hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; có trên 70% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu…