Nhiều địa phương từ chối điện than, xin làm điện khí nhưng nhiều năm chưa nhìn thấy đường ra


Theo tính toán để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu có quy mô đầu tư khoảng 4 tỷ USD. ảnh: Mô hình dự án
Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu có quy mô đầu tư khoảng 4 tỷ USD. ảnh: Mô hình dự án

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2% (7,08GW) lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các dự án LNG tại Việt Nam. Vì vậy, xu hướng chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG trong bối cảnh Việt Nam vừa có các cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là tất yếu và không thể đảo ngược.

Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraine, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.

Thực tế, giá khí hoá lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư và EVN, do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ.

“Giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Hùng cho biết.

Trước tình hình trên, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các cơ chế đặc thù riêng cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhiều địa phương từ chối điện than, muốn chuyển sang hình thức năng lượng mới. Đơn cử như Bạc Liêu quy hoạch điện than, nhưng đã chuyển sang điện khí, song điện khí chậm tiến độ nhiều năm chưa nhìn thấy đường ra. Long An cũng là trung tâm điện than, giờ xin lại để xin làm điện khí. “Học cái mới rất hay, nhưng thực hiện rất gay, vì khó có điều kiện cả yếu tố kỹ thuật, kinh tế, địa chính trị không đáp ứng được”, ông Kiên cho biết.

Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025.

Theo tính toán để thực hiện 1 dự án điện khí LGN mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Theo Thy Lê/vnbusiness.vn