Nhiều doanh nghiệp Việt đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày giao dịch sôi động với các phiên tăng điểm ngoạn mục.
Dù vậy, trong bối cảnh thị trường đi lên mạnh mẽ, vẫn có những doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc sau những năm tháng thua lỗ kéo dài.
Tính đến ngày 2/3, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng thêm 137 điểm so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 14%, trong đó nhiều cổ phiếu tiếp tục đạt được đỉnh cao mới, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Các nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong năm 2017, hoặc ít nhất đang bắt đầu phục hồi sau giai đoạn dài tái cấu trúc hoạt động.
Dù vậy, trong bối cảnh thị trường đi lên mạnh mẽ vẫn có những doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc sau những thua lỗ kéo dài. Theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì những doanh nghiệp nào thua lỗ 3 năm liên tiếp thì buộc phải hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Với báo cáo tài chính quý IV/2017 đã được công bố thì những doanh nghiệp như Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 (TH1), Công ty Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL), Công ty Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC (BHT), Công ty In sách giáo khoa TP.HCM (SAP), Công ty Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE), Công ty SDA và Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) đã tiếp tục lỗ trong 3 năm và hiện đang đối diện với hủy niêm yết bắt buộc.
Trong khi đó những doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cảnh báo có thể bị hủy niêm yết nếu tiếp tục chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 theo quy định tại Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Trước đó Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã bị nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong năm 2015 và 2016.
Trong bối cảnh nền kinh tế ổn định, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp đã giúp nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc thành công, kết quả kinh doanh được cải thiện, thu hút thêm vốn, từ đó giá cổ phiếu phục hồi tích cực. Tuy nhiên cạnh đó vẫn còn những doanh nghiệp chìm trong khó khăn, thua lỗ, từ đó không thể tăng thêm vốn dẫn đến việc kinh doanh càng bị hạn chế. Như trường hợp của STT thì doanh thu từ taxi liên tiếp sụt giảm, từ đó càng khó cạnh tranh.
Trong khi đó ban lãnh đạo TH1 cho biết, lợi nhuận âm không phải do kinh doanh chính mà do trích lập toàn bộ khoản nợ khó đòi trong năm 2017 lên đến 175 tỷ đồng và phần lãi vay vốn ngân hàng chưa có khả năng thanh toán gần 25 tỷ đồng. Gần đây TH1 bị VietinBank rao bán khoản nợ 74 tỷ đồng có tài sản đảm bảo. HNX cũng đã đề nghị TH1 giải trình nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Bên cạnh các doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc thì còn có nhiều cổ phiếu khác bị đặt vào diện kiểm soát hoặc cảnh báo, như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định, Công ty Cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khi đã bị đưa vào diện cảnh báo, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt là -49,3 tỷ và -712,96 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) với lợi nhuận sau thuế năm 2017 là -66,51 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 là -105,86 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) với lợi nhuận năm 2017 là -49,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2017 là -33,1 tỷ đồng.