Nhiều đòn bẩy và cơ hội thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán

Theo Thanh Thanh/congthuong.vn

Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với vốn đầu tư trực và gián tiếp. Trong khi các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi bị rút vốn ròng thì TTCK Việt Nam vẫn được khối ngoại duy trì mua ròng liên tục trong năm 2018 cả khoảng thời gian đầu năm 2019.

Khối ngoại tăng mua ròng liên tục trên TTCK trong thời gian qua. Nguồn: congthuong.vn
Khối ngoại tăng mua ròng liên tục trên TTCK trong thời gian qua. Nguồn: congthuong.vn

Vốn ngoại không ngừng rót vào thị trường chứng khoán Việt

Nhìn lại năm 2018 có thể thấy biến động TTCK rất lớn, VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018, nhưng sau thời điểm này thị trường đã liên tục lao dốc. Nếu tính từ đỉnh lịch sử thì VN-Index đã mất đến 25,9% trên TTCK trong cả năm 2018.

Song bất chấp những diễn biến không thuận lợi của thị trường chung, khối ngoại vẫn rót vốn kỷ lục vào TTCK. Tính trên cả ba sàn niêm yết, năm 2018 khối ngoại mua ròng đạt khoảng 421 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt trên 43.700 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tập trung mua ròng ở sàn HOSE và UPCoM và bán ròng ở sàn HNX.

Bước sang năm 2019, từ đầu năm đến nay trên TTCK, do ảnh hưởng từ dòng vốn toàn cầu dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khối ngoại bán ròng trên TTCK thế giới song tại Việt Nam khối ngoại vẫn liên tục giữ đà mua ròng.

Cụ thể trong một số phiên gần đây, xu hướng dòng tiền đang tìm đến một số cổ phiếu riêng lẻ như một số mã thuộc ngành thủy sản, sắt thép, xây dựng như HPG, ABT, ASM, CEE, NVL…

Ngay trong phiên giao dịch ngày 21/1, thanh khoản của thị trường gia tăng so với các phiên trước nhờ vào giao dịch thỏa thuận nội khối của các nhà đầu tư nước ngoài ở cổ phiếu MSN và VRE. Tổng cộng khối ngoại đã giao dịch thỏa thuận 19,76 triệu cổ phiếu VRE có trị giá 594,77 tỉ đồng và 13,9 triệu cổ phiếu MSN có trị giá hơn 1.041 tỉ đồng. Tổng cộng TTCK có hơn 171,45 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá gần 4.255,4 tỉ đồng. Trong đó các nhà đầu tư ngoại mua vào tổng cộng 41,89 triệu đơn vị có trị giá 1.979,8 tỉ đồng.

Với đà mua ròng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài được xem là một tín hiệu tích cực và giúp gia tăng kỳ vọng khối ngoại sẽ tiếp tục rót vốn vào TTCK Việt Nam trong năm 2019.

Nhiều đòn bẩy và cơ sở để thị trường tiếp tục hút vốn ngoại

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, sau thời gian giảm sút mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại các thị trường mới nổi, đang phát triển trong đó có Việt Nam trong năm 2019 để tìm kiếm lợi nhuận. Điều này sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của dòng vốn ngoại trên TTCK.

Ngoài ra, đối với TTCK Việt Nam việc nâng hạng thị trường sẽ tiếp tục là "đòn bẩy" để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, tháng 9/2018 FTSE Russell công bố kết quả phân hạng định kỳ thị trường hàng năm, trong đó Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 (secondary Emerging). Cũng trong thời gian gần đây, dòng vốn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore ngày càng rót vào TTCK nhiều hơn thông qua hình thức mua bán các DN đang niêm yết trên sàn, tham gia các thương vụ đấu thầu thoái vốn của DN nhà nước làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố thuận lợi thì TTCK vẫn còn khá nhiều thử thách. Theo TS. Bùi Quang Tín - Giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, cần phải lưu ý hai yếu tố quan trọng tác động đến TTCK 2019 đó là chính sách điều hành lãi suất cơ bản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có thể tăng lãi suất từ 2-3 lần trong năm 2019, nối tiếp đà tăng 4 lần của năm 2018, đây cũng là trở lực lớn của dòng tiền bỏ vào TTCK 2019. Bởi những thị trường mới nổi như Việt Nam thì việc này sẽ ảnh hưởng làm cho đồng tiền nội tệ mất giá, dòng vốn có thể rút ra khỏi thị trường ở chừng mực nhất định nào đó. Thứ hai cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự kiến khó dừng trong năm 2019 cũng sẽ có tác động tiêu cực đến TTCK thế giới từ đó làm ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mua ròng trên TTCK Việt Nam bởi họ đang tìm kiếm cơ hội từ thị trường mới nổi, có sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định như Việt Nam. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của nhà nước dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lẫn gián tiếp vẫn rất hấp dẫn cho nên kỳ vọng trong thời gian tới các nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót vốn vào TTCK.