Thị trường chứng khoán Việt Nam “hút” mạnh vốn ngoại

PV.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF 2018), tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của VBF cho biết, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỷ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỷ USD khỏi Philippines, nhưng lại đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Nguồn: Internet
6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Nguồn: Internet

Sự “bùng nổ” trong giao dịch của khối ngoại

“Quy mô của TTCK Việt Nam vào cuối năm 2018 có thể đạt khoảng 180 tỷ USD vốn hóa, thị trường trái phiếu chính phủ đạt khoảng 50 tỷ USD vốn hóa. Như vậy, thị trường có quy mô chung khoảng 230 tỷ USD và là mức vốn hóa khá lớn hiện nay”, dự báo điều này ông Dominic Scriven đưa ra nhận định: Chỉ số Vn-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới.

Thời gian qua, trong khi các TTCK trong khu vực chịu cảnh các nhà đầu tư nước ngoài “quay lưng” thì TTCK Việt vẫn hút được dòng tiền "khó tính" này. Dẫn chứng điều này, ông Dominic Scriven đưa ra con số cụ thể qua 6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỷ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỷ USD khỏi Philippines, nhưng lại đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. "Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lòng tin vào thị trường Việt Nam”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Có cùng quan điểm, theo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ngay bây giờ đã nhìn thấy được những cơ hội to lớn tại Việt Nam ở cả các lĩnh vực kinh doanh trong và ngoài nước khi vận dụng sự căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại và Việt Nam đang có được lợi ích từ các doanh nghiệp đó. Trong đó, một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm đầu 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam là 16,5 tỷ USD, vốn gián tiếp đạt khoảng 7,6 tỷ USD. Ngoài ra, thông qua cổ phần hóa, thoái vốn trong hai năm trở lại đây, ngân sách nhà nước cũng đã thu về 10 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua phần lớn lượng cổ phần của những đợt thoái vốn quy mô lớn như Vinamilk và Sabeco…

Tạo hấp lực hút vốn ngoại vào chứng khoán Việt

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, TTCK trong nước đã chịu nhiều tác động trước các động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Sau giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kéo dài vài tháng trước đó, từ tháng 9 tới nay, dòng vốn ngoại đã quay lại mua ròng mạnh mẽ, tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, góp phần cải thiện thanh khoản thị trường.

Ông Dominic Scriven cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán là vô cùng hợp lý, là cơ hội vàng để Việt Nam cùng một lúc nhắm đến ba mục tiêu: Xử lý những bất cập giữa Luật Chứng khoán và một số luật khác; Xử lý sự phân biệt không nên có giữa Việt Nam và các thị trường mới nổi trong khu vực; Xử lý, cân đối lại các vấn đề rủi ro và hiệu quả rủi ro.

Trong vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, ông Dominic Scriven nêu 04 nhóm khuyến nghị nhằm tăng cường thị trường vốn và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể:

Một là, Dự thảo Luật Chứng khoán cần lấy thêm ý kiến các thành viên thị trường. "Đây là luật chính điều tiết các công ty niêm yết, và cần sửa luật để giải quyết một số quy định mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư, như cơ chế room cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như xác định rõ quyền hạn điều tra vi phạm của UBCKNN”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Hai là, xây dựng hệ sinh thái cho các nhà đầu tư, tổ chức trong nước. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại quy định đối với ngân hàng liên quan đến các hoạt động giám sát và lưu ký theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng đối tượng những sản phẩm tài chính để có thể phân phối đến lượng nhà đầu tư nhiều hơn, cho phép ngân hàng thương mại đăng ký thực hiện một dịch vụ mới là phân phối sản phẩm tài chính cho nhà đầu tư.

Ba là, thời gian quan tâm đến IPO của doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, trong kế hoạch IPO của Công ty Kiểm định Dầu khí, đã thực hiện định giá năm 2015, đấu giá vào đầu năm 2018, nhà đầu tư đã thanh toán tiền mua cổ phần vào tháng 2/2018, nhưng mãi đến tháng 7/2018 mới tổ chức đại hội cổ đông lần đầu. Có nghĩa là nhà đầu tư đã trả tiền mua cổ phần từ tháng 2 nhưng đến tháng 7 mới được công nhận là cổ đông. 


Bốn là, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Để phát triển thị trường này cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc chào bán ra công chúng cũng như chào bán riêng lẻ khi phát hành trái phiếu. 


Ngày 18/11, Công ty kiểm toán quốc tế PWC công bố báo cáo khảo sát ý kiến của gần 1.200 CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC năm 2018. 51% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư, cao hơn tỷ lệ 43% cách đây hai năm. Những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC sẽ là Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.