Nhiều dự án giao thông quan trọng sắp khởi công
Trong năm 2019 sẽ có thêm nhiều dự án giao thông lớn được khởi công, hứa hẹn nâng hạ tầng giao thông Việt Nam lên một tầng cao mới. Điển hình là các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông.
Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây cao tốc Bắc - Nam
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sẽ có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dùng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khởi công vào khoảng giữa năm 2019.
Trong số này, dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là dự án đầu tiên của đại công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị xây dựng triển khai xây dựng. Trước đây, dự án xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 được phê duyệt với chiều dài 15,275km, quy mô hai làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 3.685 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn I xây dựng đoạn Cao Bồ - QL10 quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư 1.311 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối tháng 6/2015. Giai đoạn II đầu tư xây dựng đoạn QL10 - Mai Sơn dài 9,225km, tổng mức đầu tư 2.374 tỷ đồng.
Sau đó, dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy mô từ 2 làn lên 4 làn xe (cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn) với nguồn vốn ngân sách được bổ sung thêm khoảng 1.607 tỷ đồng, trở thành một trong 3 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thứ hai sử dụng vốn đầu tư công là cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài 98,35km qua hai tỉnh Quảng Trị (37,3km) và Thừa Thiên - Huế (61,05km), tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng. Hiện dự án đã lựa chọn xong tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, dự án được khởi công vào quý II/2019.
Khi hoàn thành, dự án sẽ nối thông với đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Trị và nối thông với dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp hoàn thành hay tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác. Đồng thời, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ kết nối cơ bản các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, quốc lộ 9, thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình, kết nối liên hoàn hạ tầng kinh tế: cảng biển Chân Mây, Tiên Sa…
Dự án thành phần thứ 3 của đại dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công là cầu Mỹ Thuận 2. Theo đó, dự án được xây dựng cách cầu Mỹ Thuận hiện tại 350m về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền nằm trên tuyến thẳng. Điểm đầu khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối tiếp nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại vị trí nút giao đầu tuyến QL80. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,6km.
Các công trình trên tuyến gồm: 2 cầu lớn (cầu Mỹ Thuận 2, cầu An Hữu), 3 cầu trung (cầu Rạch Sơn, Rạch Giồng, Mỹ Hưng 2) và một cống chui (đường xuống phà). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang tiến hành lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào giữa năm 2019.
Ngoài các dự án cao tốc Bắc - Nam, năm 2019, Bộ GTVT cũng sẽ tiến hành khởi công đồng loạt các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 như: Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến QL24,…Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư CHK quốc tế Long Thành và trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng như tiến hành đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
8 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư
Theo Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải), hiện 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục có liên quan theo quy định như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương.
“Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án theo đúng quy định”, đại diện Vụ PPP cho biết.
Cũng theo Vụ PPP, trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần (đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết) từ ngày 10/7/2018, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đang xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 3 dự án này.
Đối với 5 dự án còn lại (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 5 dự án này hồi giữa năm 2018 vừa qua.
“Sau khi Chính phủ quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.