Nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất
(Tài chính) Ngày 14/5/2014, Cục Hải quan Bình Dương đã ban hành văn bản số 1131/HQBD-TTDL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm bắt khó khăn, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, bị mất dữ liệu hãy trực tiếp liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hỗ trợ để không bị gián đoạn trong công tác sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngày 15/5/2014, Cục đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh, Ban quản lý KCN Việt Nam Singapore, các sở ban ngành liên quan trong tỉnh để kịp thời chia sẻ khó khăn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Cán bộ công chức hải quan phải bảo đảm vị trí làm việc, không để tồn đọng hồ sơ trong ngày. Chủ động phối hợp với các Chi cục Hải quan cửa khẩu, quyết tâm không để vì thủ tục hải quan mà doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa kịp thời hay không có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất. Sau đó Cục tiếp tục thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, bảo đảm ổn định hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 22/5/2014 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Dương đã cụ thể hóa bằng công văn số 1255/HQBD-GSQL yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp như bảo đảm cập nhật thường xuyên, liên tục các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để hướng dẫn lại cho cán bộ công chức trong đơn vị hiểu rõ, thông suốt. Các Chi cục phải chủ động bằng nhiều hình thức thông báo kịp thời chủ trương trên đến các doanh nghiệp và phải làm việc liên tục vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật đến hết ngày 30/6 để phục vụ các yêu cầu cần thiết của doanh nghiệp. Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin cử cán bộ tin học hỗ trợ các chi cục, phối hợp các công ty cung cấp phần mềm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan điện tử. Kiên quyết không bố trí cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, yếu nghiệp vụ tham gia giải quyết công việc. Tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên chia sẽ và hướng dẫn doanh nghiệp triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS.
Đối với các doanh nghiệp có nhà máy, xí nghiệp bị cháy, máy móc thiết bị hàng hóa hư hỏng, mất cắp thì khẩn trương phối hợp Ban quản lý các KCN để nắm danh sách, hướng dẫn doanh nghiệp kê khai theo biểu mẫu hướng dẫn tại Công điện số 01/TCHQ ngày 20/5/2014. Căn cứ vào danh sách của Ban quản lý các KCN cung cấp để làm cơ sở áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bị thiệt hại lớn.
Đối với doanh nghiệp bị mất dữ liệu hồ sơ hải quan thì thực hiện như sau: Doanh nghiệp gửi yêu cầu trực tiếp cho Chi cục Hải quan nơi quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Khi nhận được công văn yêu cầu của doanh nghiệp, Chi cục có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin tổ chức phục hồi lại dữ liệu bị mất. Trong khi chờ phục hồi toàn bộ dữ liệu cho doanh nghiệp, Chi cục chỉ đạo cán bộ phụ trách công nghệ thông tin cung cấp trước cho doanh nghiệp các danh mục sản phẩm, nguyên liệu, định mức để làm cơ sở cho doanh nghiệp tiếp tục khai báo hải quan. Trường hợp doanh nghiệp bị mất hồ sơ hải quan, Cục kịp thời mua cho mỗi Chi cục 01 máy photocopy, Chi cục tổ chức sao chụp cho doanh nghiệp theo quy định. Những trường hợp xin sao chụp hồ sơ hải quan của doanh nghiệp bị thiệt hại thì không xử phạt vi phạm hành chính, không thu tiền photo hồ sơ. Theo ước tính của hải quan thì số lượng photo hồ sơ cho doanh nghiệp là rất lớn. Trường hợp chưa kịp sao chụp hồ sơ hải quan, chưa có dữ liệu để khai báo mà doanh nghiệp cần sản xuất hàng hóa để kịp thời gian và nhập hàng hóa về sản xuất, thì cho phép doanh nghiệp có cam kết tiến hành thông quan hàng hóa.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các Chi cục tạm thời áp dụng một số giải pháp như sau: Đối với những trường hợp chậm thanh khoản trong hợp đồng gia công sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của các doanh nghiệp bị thiệt hại thì căn cứ danh sách xác nhận của Ban quản lý các KCN, Ban xử lý huyện, thị, đối với doanh nghiệp nằm ngoài KCN thì vẫn tiếp nhận hồ sơ để thanh khoản và tạm thời không tính phạt chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính.
Đối với tài sản cố định, hàng hóa nhập khẩu bị mất cắp, hư hỏng…tạm thời chưa truy thu thuế, chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Trường hợp bị cháy thuộc đối tượng xử lý theo Thông tư 237/2009/TT-BTC ngày 18/12/2009 của Bộ Tài chính thì xử lý cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định để khắc phục, thay thế thiết bị tài sản bị cháy, bị hư và mất mát, nhằm tiếp tục đầu tư sản xuất: Chi cục tiến hành thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và không thu thuế nhập khẩu, thuế VAT. Trường hợp cùng chủng loại nhưng khác model, vượt số lượng, vượt giá trị thì vẫn được tiếp nhận và làm thủ tục theo quy định. Đối với các doanh nghiệp còn nợ thuế thì vẫn cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu…
Chính sự quan tâm, hỗ trợ rất kịp thời từ Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban ngành cam kết bảo đảm an ninh trật tự và những nỗ lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đến nay, theo số liệu XNK thì hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại, trong đó có các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng đều đã khắc phục được khó khăn trở lại XNK. Điều này cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn bảo đảm ổn định và hấp dẫn. Các nhà đầu tư vẫn lạc quan tin tưởng và đang có kế hoạch mở rộng, tăng trưởng sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư.