Nhiều khung tiêu chuẩn đang là rào cản doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh
Nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ, cơ chế phối hợp và giám sát. Do đó, nếu cải thiện thể chế, không chỉ tháo gỡ được “nút thắt” cho khu vực tư nhân mà còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động vốn đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo.

Theo bà Phạm Minh Hương - Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững (Deloitte Việt Nam), một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiếp cận tài chính xanh là có quá nhiều khung tiêu chuẩn, quy định. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức được rõ những tác động trong từng hoạt động kinh doanh của mình để đưa ra được giải pháp.
Bà Hương dẫn chứng, doanh nghiệp nông nghiệp đã tiên phong trong phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tích cực hỗ trợ vùng nguyên liệu và các hộ nông dân đạt chuẩn thương mại công bằng, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương. Như vậy, khi doanh nghiệp có thể tự nhìn thấy những tác động của mình với từng cá thể, họ sẽ có những chiến lược hỗ trợ.
Dưới góc độ chính sách, ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh 4 điểm sáng đang hình thành trong cộng đồng doanh nghiệp khi triển khai thực hiện ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Cụ thể, về tín dụng xanh đang tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước; nguồn vốn quốc tế vào ESG, tiêu biểu như khoản cam kết 210 triệu USD từ IFC cũng đang tạo động lực mới; khung pháp lý đã rõ nét hơn nhờ các thông tư, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước; nhận thức của doanh nghiệp về ESG đang được cải thiện, nhất là trong tiếp cận các thị trường như FDI.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra nhiều nút thắt lớn. Đó là mới chỉ có 4,5% tín dụng xanh được giải ngân. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khi tiếp cận vì thiếu tài sản thế chấp, lãi suất chưa ưu đãi và tiêu chuẩn ESG còn xa lạ. Có đến 60% doanh nghiệp nhỏ không biết đăng ký nhận hỗ trợ ở đâu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không biết ESG là gì và càng khó giữ chân nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực này.
Vì vậy, Nhà nước cần thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh từ 30 - 50%; rút gọn bộ tiêu chí xanh, học hỏi mô hình quốc tế; thúc đẩy số hóa dữ liệu doanh nghiệp; ưu đãi thuế 2 - 4 năm đầu cho doanh nghiệp xanh; xây dựng mạng lưới cố vấn ESG theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để tăng cường nhận thức, giám sát triển khai ESG.
Tại diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI) khẳng định, yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong 10 năm tới là năng lực thể chế và quản trị Nhà nước. Một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và phân bổ các nguồn lực vốn, công nghệ, nhân lực... một cách tối ưu. Đồng thời, thể chế mạnh cũng giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong việc thực hiện các cam kết ESG, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống. Theo ông Huy, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm. Bên cạnh đó, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa.
“Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng “tự bơi” hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa. Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp. Nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách. Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai”, ông Huy khẳng định.