Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động
Một số ngân hàng đã bất ngờ giảm lãi suất huy động trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cho dù trước đó đã mạnh tay tăng lãi suất đầu vào.
Theo đó, đầu tháng 11, hàng loạt ngân hàng thông báo áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới. Đáng chú ý, lãi suất tiết kiệm tại một số nhà băng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại VietCapital Bank, lãi suất giảm nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng từ 7,4% xuống còn 7,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 7,8%/năm xuống còn 7,7%/năm. Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại nhà băng này cũng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 8,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 24- 60 tháng.
Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ 7/11/2019, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 8,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7%/năm.
VPBank cũng thông báo thay đổi lãi suất một số kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,2-7,5%/năm. Đồng thời, gửi online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm, thấp hơn so với mức 7,6%/năm trước đó.
Đối với Nam A Bank, biểu lãi suất mới có hiệu lực từ 5/11/2019. Theo đó, ở kỳ hạn 16 tháng, 17 tháng, lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 7,4%/năm.
Mặc dù lãi suất chưa giảm nhiều như kỳ vọng, song trước động thái của Fed mặt bằng lãi suất tiền đồng có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngay cả với ngân hàng quốc doanh biểu lãi suất huy động BIDV cũng được điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng, từ 4,5%/năm trước đó xuống 4,3%/năm. Còn tại Vietcombank, thành viên áp lãi suất huy động VND thấp nhất hệ thống, mức áp tại 2 kỳ hạn này 4,5%/năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ tiếp tục được ổn định. Lãi suất không tăng, còn việc có giảm hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, điều kiện vĩ mô và quan hệ tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, đến 30/9 tín dụng tăng 9,4% so cuối năm 2018. Như vậy, dư địa còn lại để tăng dư nợ quý cuối năm vẫn rất cao. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, khả năng tín dụng khó đặt mục tiêu đưa ra năm nay.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2%.
Tương tự, Chứng khoán BIDV cũng đánh giá tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13% trong năm 2019, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép…).
Nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc. Lãi suất cho vay mua nhà trong xu hướng tăng dần, do lãi suất tiền gửi đầu vào tăng.
Thế nhưng, việc xin nới room tín dụng của một số nhà băng đã cận và không còn nhiều dư địa cho vay cũng không dễ dàng được NHNN chấp thuận.
Từ cuối tháng 6/2019 đến nay, NHNN nới room cho một số nhà băng như: ACB 13% lên 17%; VPBank từ 12% lên 16%; Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%.