Nhiều ngân hàng không thu phí rút tiền ATM nội mạng

Theo Vũ Quỳnh/sgtiepthi.vn

Thông tin về một số ngân hàng muốn tăng phí thời gian gần đây, cùng với nhiều loại phí phải trả khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng tầm trung vẫn đang ưu đãi khách hàng bằng cách không thu phí rút tiền ATM nội mạng.

Nhiều ngân hàng tầm trung vẫn đang ưu đãi khách hàng bằng cách không thu phí rút tiền ATM nội mạng. Nguồn: internet
Nhiều ngân hàng tầm trung vẫn đang ưu đãi khách hàng bằng cách không thu phí rút tiền ATM nội mạng. Nguồn: internet

Chưa đi đôi với chất lượng

Nhiều khách hàng đã bày tỏ sự lo lắng, bức xúc khi một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn có kế hoạch tăng phí dịch vụ.

Khi biết thông tin ngân hàng mà mình đang sử dụng sẽ tăng phí giao dịch điện tử, anh N.T.T. (Hà Nội), nói: “Ngân hàng tăng phí trong khi dịch vụ chưa thực sự tốt: hệ thống ATM bố trí ở các quận trung tâm thiếu hợp lý, máy ATM hay bị lỗi, hạn mức mỗi lần rút tiền thấp nên phải rút nhiều lần và mỗi lần đều phải trả phí rút tiền…”.

Anh N.T.A. (TP. Hồ Chí Minh) cũng bất ngờ khi biết ngân hàng anh đang sử dụng dịch vụ điều chỉnh tăng hai loại phí trong khi chất lượng còn nhiều vấn đề. Cách đây hai tuần, anh đến máy ATM của ngân hàng để rút tiền nhưng vừa nhập mã PIN thì nhận được thông báo thẻ có vấn đề và thẻ bị “nuốt” vào máy. Lý do anh nhận được là thời gian qua, ngân hàng này nhận thấy một số thẻ có khả năng bị lộ mã PIN, nên ngân hàng chọn ngẫu nhiên khoá các thẻ này để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Hiện nay, người dùng dịch vụ ngân hàng trả phí rút tiền mặt (1.000-3.300 đồng/giao dịch), phí tin nhắn báo biến động số dư (8.000-10.000 đồng/tháng), phí sử dụng ngân hàng điện tử (10.000-22.000 đồng/tháng), phí chuyển khoản liên ngân hàng (thông thường là 11.000 đồng/giao dịch). Nếu sử dụng các dịch vụ khác, khách hàng cũng phải trả phí theo biểu phí mà ngân hàng đưa ra.

Điều chỉnh tăng phí

Dù đã áp dụng nhiều loại phí nhưng các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng lớn vẫn muốn điều chỉnh tăng phí. Đơn cử, bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV gần đây đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng, tức thẻ của ngân hàng phát hành rút tiền tại máy ATM của ngân hàng vẫn phải trả phí, từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng từ ngày 15-7. Mức phí này đã gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Bốn ngân hàng trên chiếm hơn 60% thị phần thẻ đang lưu hành trên thị trường và việc tăng phí này nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khoảng 49 triệu chủ thẻ ATM.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn chưa chấp thuận kiến nghị tăng phí rút tiền nội mạng của các ngân hàng nêu trên nhưng nhiều khách hàng vẫn cảm thấy bức xúc. Bởi, việc chưa cho tăng với việc không được tăng phí là khác nhau và có thể sắp tới sẽ được phép tăng. Trong khi đó, chất lượng của hệ thống máy ATM của các ngân hàng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của người dùng, kể cả dịch vụ phổ biến nhất là rút tiền mặt cũng gặp khó vì các lỗi trục trặc như máy hết tiền, tiền cũ và rách, lỗi thiết bị…

Hơn nữa, một số ngân hàng vì không tăng phí rút tiền lại chuyển qua hình thức áp dụng biểu phí mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Chẳng hạn, Agribank tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.

Trở thành người tiêu dùng thông minh

Trên thực tế nhiều ngân hàng tầm trung vẫn đang ưu đãi khách hàng bằng cách không thu phí rút tiền ATM nội mạng nên khách hàng có thể cân nhắc để chuyển sang sử dụng dịch vụ của những ngân hàng này. Cụ thể, các ngân hàng như ACB, SCB, Nam Á, Techcombank, VPBank, VIB, TPBank… hiện đều miễn phí rút tiền ATM nội mạng và một số như Nam Á, Techcombank, VPBank còn miễn luôn cả phí rút tiền từ ATM của ngân hàng khác cho khách hàng của mình.

Khách hàng có thể giảm bớt nhu cầu rút tiền mặt để giảm phí rút tiền bằng cách thực hiện các giao dịch bằng thẻ ATM thông qua máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán) khi muốn trả tiền sản phẩm, dịch vụ họ sử dụng. Máy POS đã được đặt tại hầu hết các siêu thị cũng như nhiều nhà hàng, quán ăn,… Việc thanh toán các hóa đơn như điện, nước, Internet, điện thoại, kể cả phí bảo hiểm, khách hàng có thể thanh toán qua dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc qua các ứng dụng ví điện tử như MoMo, Payoo…

Lý do tăng phí ATM được các ngân hàng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM, theo tính toán ở mức 7.000 – 10.000 đồng/giao dịch (chưa gồm chi phí bảo trì, bảo dưỡng). Mặc dù phải đổ hàng triệu đô la Mỹ để đầu tư hệ thống ATM nhưng các ngân hàng cũng có lợi vì đã tận dụng được khoản tiền duy trì tài khoản và tiền nhàn rỗi để trong tài khoản ATM vốn chỉ áp dụng lãi suất không kỳ hạn và ngân hàng có thể dùng tiền đó để cho vay với lãi suất cao hơn.

 

Cụ thể, các khoản tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản ATM được áp dụng lãi suất 0,2-0,3%, dù thời gian tiền nằm trong tài khoản không kỳ hạn là 1 ngày, 1 tháng, 1 năm hay 10 năm. Ngoài ra, đầu tư cho máy ATM cũng giúp ngân hàng giảm bớt được chi phí hơn so với một chi nhánh hay phòng giao dịch có nhân viên.