Thanh toán qua ví điện tử: Tiềm năng và khoảng trống pháp lý

Theo Yên Lam/bizlive.vn

Ví điện tử (VĐT) đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia, trong khi ở Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu thanh toán, mở rộng thị phần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Do đó, lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng chờ khai thác. Tuy nhiên, vì tính pháp lý còn mờ nhạt nên đi kèm với sự phát triển của VĐT là những rủi ro trong việc thanh toán qua trung gian, nhất là thanh toán từ quốc gia này sang quốc gia khác, gây khó kiểm soát cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Công nghệ đơn giản, lợi ích nhiều bên
Theo Chương 3 Điều 9 Thông tư 39/2014 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, việc nạp tiền vào và rút tiền ra khỏi VĐT của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng (NH).
Quy định này nhằm đảm bảo khách hàng nạp tiền, rút tiền từ VĐT chỉ có thể sử dụng nguồn tiền hợp pháp từ NH. Xuất phát từ quy định này, xu hướng NH và các công ty công nghệ tài chính (fintech) hợp tác để triển khai thanh toán VĐT cũng nở rộ.
Một công ty fintech A liên kết với NH B, khách hàng của NH B có thể mở tài khoản VĐT. Sau khi thực hiện liên kết, khách hàng dễ dàng chuyển tiền từ tài khoản NH sang VĐT để giao dịch. Cứ mỗi giao dịch nạp tiền từ tài khoản vào ví, NH sẽ thu khoản phí từ công ty fintech với mức 0,33% và tối đa 1.100 đồng.

Trước sự bùng nổ công nghệ và sự xuất hiện của nhiều công ty fintech, xu thế phát triển của VĐT là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc phát triển VĐT cần được NHNN cân nhắc và đặt trong bối cảnh của lộ trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, từ đó có hành lang pháp lý phát triển phù hợp.

TS. CẤN VĂN LỰC, 
chuyên gia tài chính NH
 
Khi khách hàng thanh toán hóa đơn tại các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ, công ty fintech sẽ thu phí khoảng 1%/mỗi giao dịch tại đơn vị bán hàng. Do đó, khi sử dụng VĐT để thanh toán, người dùng không mất phí. Hiện các ví có rất nhiều dịch vụ, sản phẩm liên kết như xem phim, truyền hình trực tuyến, giúp việc, mua hoa, mua vé xe… 
Một lợi ích nữa khi triển khai VĐT là giảm được phí đầu tư hạ tầng công nghệ cho thanh toán phi tiền mặt. Bởi thanh toán bằng VĐT được thực hiện trên chính điện thoại di động của khách hàng. Thay vì gắn máy POS để thanh toán tiền mua hàng mà hiện nay vẫn đang sử dụng, với VĐT, các cửa hàng chỉ cần cung cấp mã QR, khách hàng dùng điện thoại mở mục thanh toán trên phần mềm của một loạt ví được cài sẵn, đưa vào mã QR, điện thoại sẽ nhận diện quét và thanh toán.
Mã này được thể hiện đơn giản trên các loại bề mặt như giấy, stickers (nhãn dán), tấm mica và cả màn hình điện thoại, máy tính. Vì vậy, không chỉ taxi, các cửa hàng lớn nhỏ, trang web thương mại điện tử (TMĐT), hóa đơn điện nước hay hoạt động giao hàng thu tiền, đều có thể ứng dụng QR vào thanh toán. Mã QR có thể để dưới dạng tĩnh nhằm nhận diện người bán hàng, hoặc hiển thị dưới dạng động tạo ra cho từng giao dịch, từng hóa đơn với đúng số tiền cần thanh toán. Hình thức này cũng giúp tiết kiệm được chi phí rất lớn. 
Thí dụ, để trang bị máy POS cho 1.000 xe taxi cần đầu tư khoảng 300.000-500.000USD. Trong khi đó, gắn mã QR code cho 1.000 xe taxi này chỉ cần in sticker với tổng chi phí khoảng 10-20 triệu đồng. Hơn nữa, khi khách hàng cà thẻ qua máy POS, đơn vị bán hàng phải trả phí cho NH thấp nhất 1,6% và cao nhất trên 2%/mỗi giao dịch,  nhưng khi thanh toán qua ví họ chỉ trả cho đơn vị trung gian mức phí 1%/mỗi giao dịch.
Tại Việt Nam, các hoạt động bán lẻ truyền thống còn chiếm một tỷ trọng rất lớn. Vì thế, ứng dụng thanh toán di động qua mã QR cho các cửa hàng bán hàng trực tiếp có thể đóng góp lớn nhất cho thanh toán phi tiền mặt.
Thanh toán qua ví điện tử: Tiềm năng và khoảng trống pháp lý - Ảnh 1 Minh họa: H.TRIỀU

Chấp nhận lỗ giành thị phần
Các thống kê về thị trường thẻ NH những năm gần đây cho thấy, tổng doanh số thanh toán thẻ chỉ chiếm khoảng 6-9% chi tiêu của người dân. Có tới 6/7 giao dịch với thẻ NH là ở máy ATM, chủ yếu để rút tiền mặt. Số máy POS vẫn còn ít, với khoảng 300.000 máy trên tổng 65 triệu người (từ 15-64 tuổi).
Trong khi đó, TMĐT Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ (trên dưới 1% chi tiêu của người dân) và phần lớn các giao dịch được thanh toán bằng hình thức giao hàng thu tiền mặt. 
Tuy nhiên, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tình hình đang thay đổi rất nhanh. Rất nhiều NH, đặc biệt là các NH lớn đã bắt đầu triển khai các hình thức thanh toán điện tử mới với điện thoại di động. Hơn 20 công ty fintech làm thanh toán điện tử cũng được NHNN cấp phép chính thức. NHNN còn thành lập Ban chỉ đạo về fintech nhằm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy fintech phát triển. Với nền tảng khoảng 30% dân số (tương đương 60% người đi làm) có tài khoản NH và điện thoại thông minh, cơ hội cho thanh toán di động nói chung và VĐT không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết trong 5 năm gần đây, loại hình VĐT đã phát triển bùng nổ, lên đến 20 thương hiệu, song con số có khách hàng sử dụng thường xuyên lại rất ít.
Chính vì thế, đa số VĐT đều lỗ, chủ yếu sống bằng tiền của nhà đầu tư, do thu phí dịch vụ thấp nhưng phải chi khuyến mại lớn để tăng số lượng ví, giành thị phần. Rất nhiều loại VĐT vẫn còn xa lạ với người dùng. Vậy nhưng nhiều NH, công ty fintech vẫn mở ví để đón đầu xu hướng thanh toán trên điện thoại thông minh. 
Từ thực tế trên, nhiệm vụ chính hiện nay của các VĐT là đẩy mạnh việc kết nối với các cửa hàng, công ty cung ứng dịch vụ. Đến khi VĐT tại Việt Nam trở nên phổ biến, các VĐT chỉ việc thu phí giao dịch và NH cũng được hưởng lợi lớn từ loại hình thanh toán này.
Chỉ cần nhìn vào nguồn vốn nước ngoài không ngừng rót vào fintech Việt, cũng có thể thấy được tiềm năng to lớn của lĩnh vực này rất hấp dẫn, như VĐT MoMo đã nhận khoản đầu tư trị giá đến 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity, cùng với NH Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs rót 8,75 triệu USD vào đây. VietUnion (đơn vị thực hiện việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua hệ thống ví Payoo) cũng đã được đối tác Nhật Bản là NTT Data rót 150 tỷ đồng để sở hữu 40% cổ phần…

Thiếu công cụ giám sát dòng tiền
Trong giao dịch của VĐT, NH là người quản lý tiền. Công ty fintech sở hữu VĐT khi liên kết NH phải mở một tài khoản tại NH đó. Thí dụ, khi khách hàng nạp 100.000 đồng vào VĐT, số tiền này được chuyển vào tài khoản của chủ sở hữu ví dưới sự giám sát của  NH.
Khi người dùng mua món hàng giá 100.000 đồng, công ty fintech sẽ trả 100.000 đồng đó cho công ty bán sản phẩm, dịch vụ thông qua hình thức chuyển tiền qua tài khoản thanh toán theo thỏa thuận định kỳ, hoặc nếu doanh số quá lớn có thể chuyển hàng ngày. Các trung gian thanh toán này phải định kỳ báo cáo NHNN về trạng thái giống như NH báo cáo trạng thái.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thông tin khách Trung Quốc đến Đà Nẵng mua hàng và yêu cầu thanh toán bằng VĐT WeChatPay hay Alipay của Trung Quốc. Vậy dòng tiền được thanh toán từ Việt Nam (nguồn bán hàng) sang Trung Quốc (NH mở tài khoản) như thế nào? Phó giám đốc chi nhánh của một NHTM đang phụ trách việc liên kết với VĐT, nhận định hiện đã có một số đơn vị công bố kết nối với WeChatPay hay Alipay.
Tuy nhiên đến nay NHNN chưa có quy định về mặt pháp lý để thực hiện thanh toán thông qua các loại VĐT của Trung Quốc tại Việt Nam, NHNN đang trình Chính phủ quy định về việc này. Điều này có nghĩa các VĐT như WeChat và Alipay vẫn chưa liên quan đến Việt Nam và việc thanh toán như vậy có thể xem là thanh toán chui. Đồng thời, nếu những giao dịch này phổ biến cần chú ý, vì người bán hàng tại Việt Nam phải thu hồi tiền, vậy thu hồi bằng cách nào? Có 3 trường hợp đặt ra. 
Thứ nhất, người bán hàng cài phần mềm WeChatPay trên  điện thoại và VĐT này có liên kết với một VĐT tại Việt Nam. Sau khi thanh toán, tiền sẽ được chuyển từ VĐT WeChatPay Trung Quốc về một thương hiệu VĐT tại Việt Nam, hoặc có thể VĐT Việt Nam có tài khoản tại Trung Quốc, lúc này người bán hàng rút tiền từ ví Việt Nam (thanh toán tiền từ ví này sang ví kia). 
Thứ hai, có khả năng người bán hàng có 1 tài khoản NH tại Trung Quốc và mở WeChatPay để chấp nhận thanh toán cho khách Trung Quốc. Khi giao dịch, tiền sẽ vào tài khoản NH tại Trung Quốc và họ sẽ thu hồi khoản tiền này bằng cách chuyển ngân lậu. 
Thứ ba, cửa hàng tại Việt Nam là của người Trung Quốc và họ sử dụng VĐT Trung Quốc để thanh toán. Dù với trường hợp nào, việc thỏa thuận bán hàng và thanh toán phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam nhưng bản chất thanh toán lại diễn ra tại Trung Quốc là điều bất hợp lý. Giao dịch như vậy phía Việt Nam sẽ mất phí thanh toán. NH sẽ không được thu phí và cơ quan quản lý cũng không giám sát và không thu thuế được.
Giải pháp cho vấn đề này là NHNN phải cấm các đơn vị chủ quản VĐT bắt tay để thanh toán với hình thức như vậy, nếu vi phạm sẽ rút giấy phép. Lúc đó công ty fintech trong nước bắt buộc sẽ tuân thủ vì chủ yếu sống nhờ vào ví. Còn với các đơn vị bán hàng, cơ quan chức năng phải đi kiểm tra để loại bỏ tình trạng đang kinh doanh ở Việt Nam lại dùng phương tiện thanh toán ngoài Việt Nam.
Ngoài ra, cũng cần tiến hành thanh kiểm tra hoạt động của các công ty fintech để tránh xảy ra vụ việc tương tự Công ty Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Công ty này được trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với 3 nhóm dịch vụ (thanh toán điện tử, VĐT, thu chi hộ) trong thời hạn 10 năm, nhưng chưa đầy 1 năm bị phanh phui là vỏ bọc tổ chức đánh bạc CNC.

Thị trường thanh toán tại Việt Nam thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia, lĩnh vực này cũng không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại các công ty thanh toán. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đối với các cổng trung gian thanh toán. Điều này rất quan trọng, nhất là sau khi xảy ra sự việc tại VNPT Epay, nhằm loại bỏ tình trạng lợi dụng VĐT để chuyển ngân lậu ra nước ngoài.
TS. Bùi Quang Tín, 
Trường Đại học NH TP. Hồ Chí Minh