Nhiều nhưng chưa mạnh
Trong 10 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hiện nay nước ta đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản. Tuy vậy, đằng sau thành công này, còn không ít vấn đề như chất lượng nông sản xuất khẩu, thị trường, các rào cản kỹ thuật... mà nếu không có những giải pháp thấu đáo, thì khó duy trì được chiến lược xuất khẩu bền vững.
Một thập kỷ "bùng nổ"
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu bước đi đầu tiên vào sân chơi lớn của nền kinh tế thế giới; cùng với ngành thương mại, dịch vụ và ngành kinh tế khác, nền nông nghiệp đặc biệt là xuất khẩu nông sản đã có những bước chuyển thần kỳ. Chỉ một năm sau, "bức tranh" xuất khẩu nông sản đẹp hơn bao giờ hết với tổng giá trị xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD. Càng về sau tốc độ tăng trưởng càng nhanh, năm 2015 mới đạt 30,14 tỷ USD thì năm 2018 đang hướng tới 40 tỷ USD, mà ngay trong bảy tháng đầu năm đã đạt con số hơn 22 tỷ USD... Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn nửa năm qua có thể kể đến gạo, rau quả, hạt điều và thủy sản. Một số mặt hàng tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị như gạo (lần lượt tăng 25% và 42%); rau quả (tăng 20,3% và 10,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Ấn tượng nhất là sự bùng nổ của mặt hàng rau quả xuất khẩu trong ít nhất ba năm trở lại đây, khi đã vượt qua cả gạo để vươn lên trở thành ngành xuất khẩu chủ lực: Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 235 triệu USD. Sau hơn 10 năm, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 vươn lên đạt 3,5 tỷ USD và kỳ vọng đạt 5 tỷ USD năm 2018 và 10 tỷ USD trong tương lai gần (2020). Sau nhiều năm đàm phán, những loại trái cây ngon truyền thống của Việt Nam như nhãn, vải, chôm chôm, thanh long, vú sữa... và gần đây là sầu riêng và dừa đã lên đường xuất ngoại và có những phản hồi tích cực từ thị trường nước ngoài.
Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 nước và vùng lãnh thổ bao gồm cả các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao như Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Australia... Những tín hiệu đáng mừng này chứng tỏ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp: tăng cả năng suất và chất lượng và ngày càng tập trung vào nâng cao chất lượng để đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu, mở rộng đầu ra cho hàng nông sản vốn còn đầy tiềm năng. Nông sản Việt đang từng bước khẳng định vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, mang lại đóng góp lớn cho nền kinh tế mà nông nghiệp vẫn là trụ cột.
Kim ngạch cao nhưng giá trị thấp
Tuy vậy, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, đằng sau những hào quang ấy không phải không có những khoảng tối. Trên thực tế, dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu hàng nông sản, nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, hạt điều... hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản nước ta vẫn còn thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường.
Chỉ cần một phân tích nhỏ một số mặt hàng nông sản chủ lực của hơn nửa năm 2018 là có thể thấy rất rõ hiện tượng lượng tăng, giá giảm. Giảm giá mạnh nhất là hạt tiêu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm đến gần 41%, hiện chỉ còn khoảng 3.477 USD/tấn. Mức giảm mạnh như vậy nên dù lượng tiêu xuất khẩu tăng hơn 5% nhưng giá trị vẫn giảm đến 36%. Đứng sau tiêu là cao-su, mức giá bình quân giảm hơn 25%; lượng cao-su xuất khẩu tăng hơn 16% nhưng giá trị vẫn giảm đến 8,6%. Đứng thứ ba là giá cà-phê với mức giảm 14%; tăng 11,1% về lượng nhưng giá trị giảm 4,7%. Xuất khẩu tôm cũng trong hoàn cảnh tương tự, giá tôm trong nước và xuất khẩu đang giảm mạnh khoảng 20 - 30%. Nguyên nhân được cho là do tác động chung của thị trường thế giới và cả trong nước cung vượt cầu. Các mặt hàng này vẫn chưa nhận được tín hiệu lạc quan từ thị trường.
Một số mặt hàng khác không bị khủng hoảng thị trường lại "dính" các rào cản kỹ thuật, thương mại. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục duy trì thẻ vàng đối với ngành khai thác hải sản. Việc này đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Không chỉ thế, EU còn đang xem xét việc tăng cường kiểm tra chất lượng với quả thanh long tươi. Một thị trường lớn khác là Mỹ vẫn đang áp dụng thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra. Tháng 3 năm nay, Mỹ còn tăng thuế đối với cá tra lên gấp năm lần, đạt mức cao kỷ lục 3,87 USD/kg, mức thuế mà các doanh nghiệp cho là cá tra hết đường vào Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn đối với cá tra Việt Nam.
Ngay cả mặt hàng rau quả, hiện đang là mũi nhọn của nông sản xuất khẩu cũng gặp những vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì không đạt chuẩn. Đã có những lô hàng vải thiều xuất Australia bị trả lại vì thối hỏng, và đây không phải trường hợp duy nhất. Hệ lụy không chỉ đơn giản là thiệt hại một vài chục tấn vải, nguy cơ lớn hơn là mất bạn hàng, mất thị trường, mất uy tín của nông sản Việt. Trong khi để mở được cánh cửa cho quả vải vào thị trường này, chúng ta phải mất hơn 10 năm đàm phán. Nhiều nông sản Việt Nam không vào được các thị trường cao cấp đã chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc, dễ tính hơn nhưng giá cũng thấp hơn. Tuy vậy nước này cũng đang siết chặt các quy định và sửa đổi các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Chất lượng không đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu; thương hiệu, mẫu mã chưa hấp dẫn, thậm chí chưa có, trong khi giá sản xuất và vận chuyển cao dẫn đến sức cạnh tranh kém, bị ép giá và thua thiệt đủ đường khi phải đối mặt với những thị trường tiêu chuẩn có những đòi hỏi cao, thậm chí riêng biệt. Mặt khác thị trường xuất khẩu nông sản hiện chủ yếu vẫn tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước cũng có những mặt hàng tương tự như gạo của Campuchia, Thái-lan; cà-phê từ Brazil, Colombia; tôm từ Thái-lan, Ấn Độ, Indonesia; cao-su từ Indonesia và Malaysia...
Những tín hiệu mới
Tuy vậy cần phải khẳng định một thực tế là rất nhiều năm tiếp theo, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn cho xuất khẩu nông sản, bởi đây hiện vẫn là thế mạnh của một đất nước nông nghiệp như nước ta. Điều này đã được khẳng định trong chiến lược điều hành của Đảng và Nhà nước. Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một kỳ vọng: "Tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu".
Năm 2018 là năm Bộ NN&PTNT chú trọng đẩy mạnh toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Theo tính toán, có khoảng tám, chín nhà máy chế biến nông sản khánh thành từ nay đến cuối năm. Riêng tổng đầu tư vào các nhà máy rau củ quả ước khoảng 5.710 tỷ đồng, mảng chế biến chăn nuôi khoảng 3.900 tỷ đồng, góp phần hình thành một nền công nghiệp chế biến nông sản có sức hội nhập, làm trụ đỡ cho đầu ra của sản phẩm.
Cũng phải nói thêm rằng, ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cơ chế, đất đai rất cần thiết phải hỗ trợ vấn đề thiết yếu là vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh nông sản cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Được biết, trong tháng 8, Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ có hiệu lực thực hiện. Theo đó, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ với mức tối đa không dưới 10 tỷ đồng. Đây có thể xem là một cú hích quan trọng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông sản vốn đang phải chịu căn bệnh kinh niên: thiếu tiền, đói vốn.
Thành ngữ Việt Nam có câu "đông nhưng không mạnh", soi chiếu vào thực tế xuất khẩu nông sản Việt ít nhiều điều đó không sai. Tuy vậy, nếu kiên định với những mục tiêu lớn, hoàn thiện các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, các sản phẩm nông nghiệp Việt hoàn toàn có thể "vừa đông lại vừa mạnh" sớm đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã "đặt hàng".