Nhiều nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4
Văn phòng Quốc hội cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa nhất trí về dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Phiên họp này sẽ diễn ra trong ba ngày 10-12/10 cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức diễn ra. Phiên họp thường kỳ thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là phiên họp cuối để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Theo đó, dự kiến tại Phiên họp thường kỳ thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc sẽ cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc cũng sẽ tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Trong đó, liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, nhận định đây là vấn đề cấp thiết, do đó, tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian bàn về vấn đề này.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc còn cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ gồm: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Ngoài ra, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc còn cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021 và tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021.
Cũng tại phiên này tại, Ủy ban Thường vụ Quốc sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố này; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức diễn ra vào ngày 20/10. Theo dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án quan trọng luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.