Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Nhiều quốc gia đánh thuế rất cao để hạn chế tiêu dùng
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Nguyễn Anh Phong - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi lần này có những điều chỉnh, bổ sung hết sức cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, đặc biệt là việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và cồn.
Phóng viên: Thưa ông, dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi, đề xuất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về những đề xuất này của Bộ Tài chính?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Về tổng thể dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này có những điều chỉnh, bổ sung theo tôi là hết sức cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có một số đề xuất nổi bật như: Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB; Áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá...
Hay đề xuất bổ sung quy định cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế trong trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường; Điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia; Sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường cùng với nhiều vấn đề điều chỉnh khác.
Với dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, tôi thật sự ấn tượng nhất ở chỗ Bộ Tài chính dự kiến đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đây là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã làm bởi vì nước uống này gây ra các căn bệnh về béo phì, đái tháo đường, tim mạch… mà khoa học và y tế đã chứng minh.
Điểm thứ hai là bổ sung việc tính thuế tuyệt đối, điều mà trước nay gây nhiều tranh cãi khi áp dụng tính thuế theo tỷ lệ trên giá giao dịch, mà giao dịch lại qua nhiều khâu trung gian từ sản xuất, lưu thông, thương mại đến tiêu dùng.
Điểm thứ ba là việc bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường, đây là vấn đề phù hợp với xu hướng khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng là quốc gia đã ký cam kết về chống biến đổi khí hậu, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030, đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050 và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phóng viên: Trong dự thảo Luật Thuế TTĐB có nội dung đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế. Đề xuất này có phù hợp với xu thế hiện nay không, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Như vừa đề cập, bản thân tôi rất ủng hộ khi bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB. Bản chất của thuế TTĐB là nhằm hạn chế tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mang tính chất không khuyến dụng, trong đó nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, đái tháo đường,…
Ngoài ra, hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, Việt Nam là nước đang phát triển, tiệm cận quốc gia có thu nhập trung bình-cao, trẻ em, giới thanh thiếu niên tiêu dùng nhiều sản phẩm này về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe, cho nguồn nhân lực phục vụ tốt phát triển về sau.
Phóng viên: Theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Theo ông, tăng thuế liệu có giải quyết được vấn đề?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Như chúng ta đã biết, rượu, bia và các chất kích thích khác gây ra nhiều tác hại cho người dân và xã hội, bao gồm tổn hại sức khỏe, tinh thần và tài chính. Đây cũng là nhóm hàng hóa không khuyến dụng mà nhiều quốc gia cũng đánh thuế rất cao để hạn chế tiêu dùng.
Mặc dù Việt Nam đã đưa nhóm này vào diện chịu thuế TTĐB và đánh thuế cũng khá cao (60%), nhưng nhiều năm qua Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có mức tiêu thụ rượu, bia thuộc hàng cao trên thế giới (Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu).
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, việc tiêu dùng rượu, bia có giảm là do gia tăng mức phạt nồng độ cồn chứ mức thuế hiện hành chưa tạo ra mức giảm nhiều. Tôi nghĩ với việc tăng thuế cộng với hiệu ứng phạt hành chính về nồng độ cồn, người dân sẽ có cân nhắc và ý thức hơn trong việc tiêu dùng rượu, bia trong phạm vi chừng mực cần thiết.
Phóng viên: Ngoài những đề xuất được đề cập trong dự thảo Luật Thuế TTĐB, cá nhân ông có ý kiến đóng góp gì nhằm hoàn thiện dự thảo lần này của Bộ Tài chính?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Thứ nhất là về bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối cùng với tính thuế tỷ lệ (phương pháp hỗn hợp) cần có thêm các nghiên cứu, khảo nghiệm sâu hơn. Khi đánh thuế tuyệt đối thì có ưu điểm rất lớn là đơn giản, dễ tính, giảm chi phí hành chính, nguồn thu ước tính dễ dàng, tránh các tranh cãi trong vận hành; trong khi phương pháp tính theo tỷ lệ trên giá bán lại tồn tại các hạn chế như việc xác định giá tính thuế, sự biến động giá liên tục trên thị trường… gây ra việc tính toán phức tạp, tốn kém trong vận hành và quản lý, rất dễ gây tranh cãi trong xác định giá tính thuế. Chính vì vậy các nước phát triển thường hay chọn phương pháp tuyệt đối hơn là hỗn hợp.
Thứ hai là việc bổ sung nhóm hàng hóa (nước uống có đường) là phù hợp, nhưng ở nhóm dịch vụ còn thiếu xem xét bổ sung những nhóm dịch vụ mang tính chất không khuyến khích sử dụng trong xu hướng xã hội hiện đại ngày nay. Đã nhiều năm, chúng ta xem các dịch vụ karaoke, vũ trường vào đối tượng chịu thuế, nhưng ngày nay nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khá tương tự, gần như chỉ khác về quy mô như (quán Bar, Pub, Club,…) vẫn chưa xem xét đưa vào diện chịu thuế.
Thứ ba về rượu, bia, hiện công tác kiểm soát thu thuế chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh, trong khi trong thực tế tồn tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cá thể nhưng cung ứng lượng tiêu thụ cũng khá lớn thì lại chưa xem xét kiểm soát để thu. Thiết nghĩ cũng nên bổ sung thêm phần này trong Dự thảo.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!