Chuyên gia luật nói gì về điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu?

Huyền Châm

Các chuyên gia đồng thuận về chủ trương điều chỉnh tăng thuế suất với mặt hàng bia rượu, tuy nhiên cần cân nhắc lộ trình phù hợp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất đối với một số mặt hàng chịu thuế TTĐB, trong đó có rượu bia nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã được phê duyệt và chính sách về hoàn thiện đối tượng chịu thuế, thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc tăng thuế, điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB (thuế tỷ lệ %) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trước đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA). Ảnh: NVCC
Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA). Ảnh: NVCC

Do vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019) và xây dựng 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, đồng tình với việc bảo vệ sức khoẻ của người dân liên quan tới tác hại rượu bia cũng như an toàn giao thông, đồng thời cũng đồng tình với phân tích của các chuyên gia về mức giá bán lẻ mặt hàng rượu bia tại Việt Nam chưa cao so với thế giới. Tuy nhiên, luật sư Hưng cho rằng, cần cân nhắc thời điểm áp dụng và tác động tới nền kinh tế.

Trong khi đó, Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P nêu, xét bản chất TTĐB nhằm hướng tới một số hàng hoá xa xỉ để điều tiết sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng xã hội.

Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P. Ảnh: NVCC
Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P. Ảnh: NVCC

Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua tăng cường quản lý sản xuất hàng hoá đối với dịch vụ chịu thuế. Các cơ sở trực tiếp sản xuất ra loại hàng hoá đó xa xỉ nộp thuế nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế suất được cộng vào giá bán sản phẩm.

Mặc dù đã cấu thành trong giá bán đối với các sản phẩm rượu bia nhưng sức mua hàng hoá bia rượu vẫn lớn. Trong khi đây cũng là hàng hoá xa xỉ, không được khuyến khích vì liên quan tới tác hại về bệnh tật cũng như rủi ro về tai nạn giao thông, an ninh trật tự, đặc biệt gia tăng khoảng cách giàu nghèo…

“Tôi cho rằng việc xem xét tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia từ năm 2026 là phù hợp với các nghị quyết của Chính phủ, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc này giúp điều tiết chỉ số tiêu dùng, bên cạnh đó bảo vệ sức khoẻ người dân, tăng thu ngân sách và bản chất đi đúng với loại thuế TTĐB này. Tôi đồng thuận việc về xem xét tăng thuế suất”, đại diện Công ty Luật S&P nêu.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, việc điều chỉnh tăng thuế suất cần cân nhắc lộ trình phù hợp để không tác động lớn tới doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cung ứng cho thị trường.