Nhiều tổ chức tín dụng đã chấp nhận giảm lương, thưởng để giải quyết nợ xấu

Theo SBV

Dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến cuối tháng 11/2012 đạt 78,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 58,31% nợ xấu), tăng 33% so với cuối năm 2011; Nợ xấu được các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý ước đạt 45 ngàn tỷ đồng.

Nhiều tổ chức tín dụng đã chấp nhận giảm lương, thưởng để giải quyết nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, trong đó có phần về thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Theo NHNN, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai thực hiện Đề án. Ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã tập trung triển khai quyết liệt các nội dung, giải pháp cơ cấu lại theo đúng kế hoạch đề ra và đạt được một số kết quả quan trọng.

Thứ nhất, đã đánh giá, xác định được 9 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cần tập trung ưu tiên cơ cấu lại, đồng thời thành lập các Ban Chỉ đạo có đại diện NHNN làm Trưởng ban và thành viên là các Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố nơi NHTMCP yếu kém đặt trụ sở chính; thành lập các Tổ giám sát tại các NHTMCP yếu kém để giám sát chặt chẽ, toàn diện các ngân hàng này. Tiến hành kiểm toán do công ty kiểm toán quốc tế thực hiện, đồng thời NHNN tiến hành thanh tra toàn diện 9 ngân hàng này.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng này xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp với quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém của từng ngân hàng.

Đến nay, NHNN đã trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng yếu kém trước khi NHNN phê duyệt. Trên cơ sở phương án đã được phê duyệt, 03 ngân hàng đã tiến hành hợp nhất với nhau, 01 ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 3 ngân hàng đang tiến hành tự cơ cấu lại và 01 ngân hàng sẽ hợp nhất vào TCTD khác. Khi triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, các ngân hàng này phải triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm.

Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém được NHNN kiểm soát chặt chẽ thông qua các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm khả năng chi trả đầy đủ tiền gửi của dân cư; không để xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các ngân hàng yếu kém được NHNN kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Rủi ro hệ thống và nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng từng bước được đẩy lùi, thanh khoản của hệ thống các TCTD, kể cả các NHTMCP yếu kém được cải thiện rõ rệt.

Thứ hai, tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ đến hạn và chủ động xử lý nợ xấu phù hợp với quy định của pháp luật. Nhờ đó, nợ xấu đã có chiều hướng tăng chậm lại đáng kể; Dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến cuối tháng 11/2012 đạt 78,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 58,31% nợ xấu), tăng 33% so với cuối năm 2011; Nợ xấu được các TCTD xử lý ước đạt 45 ngàn tỷ đồng; các biện pháp cơ cấu lại nợ đã góp phần kiềm chế nợ xấu tăng nhanh và hỗ trợ khách hàng vay vốn. Nhiều TCTD đã chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí, kể cả tiền lương, tiền thưởng của người lao động để tập trung trích lập dự phòng rủi ro cho xử lý nợ xấu.

Để xử lý căn bản nợ xấu, NHNN đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản. 02 Đề án này sẽ sớm được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Thứ ba, các TCTD quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại màng lưới và các vị trí lãnh đạo, điều hành chủ chốt. Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản được triển khai bước đầu, đồng thời từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, cạnh tranh phù hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Về cơ bản, việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD năm 2012 đã đạt được mục tiêu và lộ trình đề ra trong Đề án là tập trung bảo đảm khả năng chi trả của hệ thống và xử lý ngân hàng yếu kém, đặc biệt bước đầu đã giảm được 3 ngân hàng yếu kém thông qua sáp nhập, hợp nhất.