Nhìn lại 120 tỷ USD dòng vốn FDI
(Tài chính) Từ năm 2007 đến nay, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chậm lại, hàng vạn doanh nghiệp trong nước kinh doanh kém hiệu quả, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nổi lên như là động lực tăng trưởng đang vận hành tốt. Thực trạng đó đã nảy sinh vấn đề quan hệ nội lực và ngoại lực: Liệu hoạt động của doanh nghiệp FDI có lấn át doanh nghiệp trong nước và cần làm gì để giải quyết vấn đề này? Để tìm được câu trả lời đúng, cần có cách tiếp cận khoa học đối với chủ trương thu hút FDI của nước ta.
Trải qua 26 năm (từ năm 1988 đến 2013), đã có trên 120 tỷ USD vốn FDI thực hiện ở nước ta, đóng góp khoảng 25% vốn đầu tư xã hội. Đó là con số khá ấn tượng và hợp lý đối với một nước đang chuyển đổi cơ chế kinh tế như Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2013 đạt 250,93 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 125,79 tỷ USD, tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu đạt 125,14 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012, xuất siêu 650 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 77,3 tỷ USD, chiếm 61,44% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có hai loại ý kiến đánh giá khác nhau về các con số trên đây.
Có người cho rằng, “cái giá của ‘tấm huy chương’ thành tích xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI đóng vai trò chủ lực cũng có nhiều cay đắng”.
Một quan chức Nhà nước, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), ông Huỳnh Đắc Thắng thừa nhận, khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, nhưng doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn, thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu sản xuất với phương thức lắp ráp, gia công, nên nền kinh tế chưa thu được nhiều lợi ích từ thành quả này(!).
Một đại diện doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt thì bình luận theo hướng tích cực: “Nếu nhìn bên ngoài, có thể thấy, việc các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là không ổn. Tuy nhiên, đứng về mặt doanh nghiệp, tôi cho rằng, khi tỷ trọng doanh nghiệp FDI lớn hơn, sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước có động lực hơn để có thể đứng lên và cạnh tranh”.
Ông Kiệt cho rằng, khi kinh tế gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa, ngừng hoạt động..., thì nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục mở rộng và đầu tư. Điều đó cho thấy, không chỉ mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, quản trị, các doanh nghiệp FDI còn hơn về khả năng chịu đựng, kiên cường trước khó khăn, cũng như khả năng tận dụng cơ hội. (Dẫn từ “Dân trí” ngày 19/12/2013).
Thực tế của hơn một phần tư thế kỷ thu hút FDI - thời gian đủ dài để khẳng định rằng, những băn khoăn về việc các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại nước ta thao túng thị trường, gây xáo động về giá cả, tiền tệ là không có cơ sở. Những khiếm khuyết của FDI, như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, nhập khẩu thiết bị lạc hậu, tranh chấp lao động… là đáng quan tâm và cần có giải pháp khắc phục, nhưng chỉ là số ít so với hơn 12.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động và là biểu hiện mặt trái của kinh tế thị trường phổ biến trên phạm vi toàn cầu.
Do vậy, câu trả lời đúng không phải là tìm cách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI, mà phải có giải pháp đồng bộ về thể chế, tài chính, tín dụng… theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nhanh chóng vượt qua trạng thái trì trệ trong sản xuất và kinh doanh, đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để tạo nên sức lan tỏa nhanh chóng thông qua việc hình thành công nghiệp hỗ trợ từng ngành hàng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu.
Động lực tăng trưởng của khu vực FDI được thể hiện không chỉ trên bình diện quốc gia, mà còn ở nhiều địa phương trong từng giai đoạn phát triển. Ngoài Hà Nội và TP.HCM - hai đầu tàu tăng trưởng luôn dẫn đầu trong việc thu hút FDI nhờ có ưu thế nổi trội về hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách ưu đãi so với các địa phương khác, thì những tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu ở miền Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh ở miền Bắc đã khởi sắc nhờ vào các dự án FDI quy mô lớn.
Có thể dẫn ra ví dụ điển hình là Bắc Ninh. Nếu những năm 90 của thế kỷ trước, Vĩnh Phúc nổi lên như một tỉnh tận dụng được lợi thế tiếp giáp Thủ đô để thu hút đầu tư của Toyota, Honda…, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách từ 100 tỷ đồng khi tách tỉnh lên khoảng 15.000 tỷ đồng vào năm 2012; thì từ năm 2007 đến nay, Bắc Ninh đã thành công trong việc phát triển các khu công nghiệp, tiếp nhận khoảng 4 tỷ USD vốn FDI từ nhiều nước, trong đó có một số dự án công nghệ cao, quy mô lớn của Samsung, Nokia, Canon… để tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng từ 23,8% năm 1997 lên 70,7% năm 2012 và giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp từ 45% xuống 8,5%; GDP/người năm 2012 theo giá thực tế đạt 3.200 USD, gấp hai lần bình quân của cả nước. (Dẫn từ “Cẩm nang du lịch và đầu tư Bắc Ninh”2013).
Cần lưu ý rằng, đầu năm 2007, Chính phủ đã mất khá nhiều thời gian mới đưa ra quyết định áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt đối với dự án của Samsung, bởi có những cách tiếp cận không thống nhất về thế nào là dự án công nghệ cao.
Năm 2012, Samsung sản xuất 120 triệu điện thoại di động tại Bắc Ninh với kim ngạch xuất khẩu 12,2 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Sở Công thương Bắc Ninh cho biết, 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 20,86 tỷ USD, tăng 94,2% so với cùng kỳ năm trước, 99,5% là của doanh nghiệp FDI.
Bắc Ninh không những trở thành một tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, mà còn cả về kim ngạch xuất khẩu.
Hiện nay, vẫn có những người còn hoài nghi về đóng góp của dự án này vào nền kinh tế khi giá trị gia tăng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI và thu ngân sách năm 2012 chưa nhiều (!).
Khi quyết định dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho một số dự án, Chính phủ đã có tầm nhìn dài hạn về tác động đối với tăng trưởng kinh tế của các dự án công nghệ cao có vốn đầu tư hàng tỷ USD. Chính sách này sẽ được áp dụng cho những dự án mới và dự án mở rộng quy mô sản xuất. Thực tế đã chứng minh đó là quyết sách đúng đắn.
Từ năm 2007 đến 2012, Samsung được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi năm chỉ nộp ngân sách 300 - 400 tỷ đồng; năm 2013, hết thời gian miễn thuế, chỉ được giảm 50%, nên đã nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng; nếu so với doanh số và kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này, thì số thu ngân sách còn ít, nhưng so với khoảng 100 ha mặt bằng thuê đất, thì bình quân nộp ngân sách 10 tỷ đồng/ha là con số cao hơn nhiều lần các ngành nghề khác; những năm tới, con số này sẽ tăng lên nhanh chóng.
Mặc dù vậy, cần đánh giá tác động của dự án Samsung không chỉ là thu ngân sách, mà quan trọng hơn là tạo ra các yếu tố tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại.
Samsung với vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD là một dự án được triển khai nhanh nhất hiện nay, khi nhà máy tại Thái Nguyên đưa vào hoạt động trong năm 2014, mỗi năm, sẽ có 230 - 240 triệu điện thoại di động được sản xuất tại nước ta, tạo việc làm cho khoảng 130.000 lao động, trong đó có nhiều kỹ sư, cán bộ quản lý. Tập đoàn này đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút vài ba ngàn kỹ sư Việt Nam, những cán bộ kỹ thuật trẻ được tiếp cận công nghệ hàng đầu thế giới với phương pháp nghiên cứu tiên tiến là môi trường lý tưởng để góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ nước ta. Việc nước ta trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn của thế giới là thành tựu nổi bật trong thu hút FDI, đồng thời là cột mốc quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại.
Để tận dụng cơ hội mới, Bắc Ninh đang nghiên cứu khai thác tốt hơn nữa sự hiện diện của Samsung và những dự án công nghệ của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) hướng đến mục tiêu từ năm 2014, từng bước tạo lập mạng lưới doanh nghiệp hỗ trợ cho các dự án đó, tăng dần giá trị gia tăng từ 10% hiện nay lên 20-30% trong thời gian tới, khi đó hàng ngàn doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện khởi nghiệp, hoặc khôi phục kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo thêm nguồn thu ngân sách địa phương.
Thanh Hóa với Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có dự án lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam đang được triển khai sẽ tạo thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của một tỉnh trên 3 triệu dân, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương và góp phần tích cực vào việc tăng giá trị gia tăng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại tiến tới tăng dần xuất siêu do những sản phẩm hóa dầu thay thế một tỷ lệ lớn nguyên vật liệu đang được nhập khẩu cho nhiều ngành kinh tế của nước ta.
Hà Tĩnh với Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có dự án xây dựng khu liên hợp luyện kim của Tập đoàn Formusa, Đài Loan với vốn đầu tư giai đoạn I đã khoảng 9 tỷ USD (đã được điều chỉnh), là một công trường lớn với hàng ngàn lao động đến từ vài chục nước và hàng vạn lao động Việt Nam dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ quý I/2015, sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động, tạo thêm ngành nghề mới, tạo điều kiện để phát triển giáo dục dạy nghề, đại học theo hướng tiếp cận với cơ cấu kinh tế mới, tạo thành động lực lớn đối với sự phát triển kinh tế của một tỉnh còn nghèo của miền Trung.