Nhìn lại chặng đường 5 năm Trung Quốc triển khai Sáng kiến “Vành đai, con đường"
Năm 2018 đánh dấu quãng đường 5 năm Trung Quốc triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường (OBOR)” (gần đây được đổi tên thành “Vành đai, con đường (BRI)”). Đây là dịp để Trung Quốc cùng các nước đánh giá lại tiến trình đưa BRI từ một ý tưởng thành những bước triển khai cụ thể trên thực tế.
Cách đây 5 năm, trong chuyến thăm Trung Á tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên đề cập sáng kiến “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” và trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lần đầu tiên đề cập tới sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.
Đây là 2 sáng kiến cấu thành BRI, nhằm hình thành các tuyến kết nối “cứng” và kết nối “mềm” giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Để vận động các nước ủng hộ và tham gia BRI, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và tuyên truyền để vận động các nước khác tham gia; khẳng định BRI được triển khai dựa trên nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng làm và cùng hưởng lợi, hướng tới xây dựng các cộng đồng chung trách nhiệm, chung lợi ích và chung vận mệnh.
Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc triển khai BRI dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau về chính trị, hợp tác kinh tế sâu rộng và bao dung về văn hóa, đồng thời đảm bảo các giá trị như hòa bình, hợp tác, mở cửa, cùng phát triển, cùng có lợi, chia sẻ và giám sát lẫn nhau.
Tiến trình triển khai BRI sẽ tạo ra gắn kết chặt chẽ giữa các nước về mặt chính sách, cơ sở hạ tầng, tài chính - tiền tệ, đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân.
Theo đánh giá của Chính phủ Trung Quốc, trong 5 triển khai, BRI đã đạt được những kết quả tích cực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Trung Quốc và các nước tham gia.
Đến nay, BRI đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia sâu rộng hơn của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, kể cả các nước lớn như Nga và các nền kinh tế phát triển của phương Tây như Pháp, Đức và Anh. Tính đến tháng 4/2018, Trung Quốc đã cùng với 86 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết 101 thỏa thuận triển khai các dự án hợp tác trên nhiều lĩnh vực thuộc khuôn khổ BRI.
Trung Quốc cũng đã cùng với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Pakistan, ASEAN, Peru, Chile… ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước dọc các tuyến BRI trong 5 năm qua đã vượt trên 5.000 tỉ USD.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước tham gia BRI đã tăng ở mức kỷ lục là 14,2%, trong đó Trung Quốc đã nhập khẩu trên 666 tỷ USD hàng hóa từ các nước này, chiếm 25% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc. Trong 5 năm qua, Trung Quốc cũng đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hơn 50 tỷ USD vào 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trung Quốc đã xây dựng trên 50 khu hợp tác kinh tế, thương mại tại khoảng 20 nước tham gia BRI, giúp các nước tăng nguồn thu thuế thu nhập thêm 1,1 tỷ USD và tạo 180.000 công việc mới. Để hỗ trợ triển khai các dự án, Trung Quốc đã đưa Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường tơ lụa (SRF) đi vào hoạt động.
Đến nay, nhiều dự án thuộc BRI tiến triển tốt như dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan, dự án đường ống dẫn dầu với Nga, các dự án hợp tác với Campuchia, Lào, Indonesia, Pakistan... Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác với các nước trên cơ sở gắn kết BRI với chiến lược phát triển quốc gia của các nước tham gia.
Trong các báo cáo nghiên cứu mới đây, giới học giả Trung Quốc cũng đánh giá cao thành quả đạt được trong 5 năm triển khai BRI. Giám đốc Viện Nghiên cứu BRI thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Giáo sư Hu Biliang khẳng định, nguyên nhân căn bản giúp BRI gặt hái được thành công là vì nó vừa có thể thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc đi vào chiều sâu và vừa có thể thúc đẩy sự phát triển của thế giới.
Ông nhấn mạnh nhìn từ góc độ quốc tế, BRI được khởi xướng năm 2013, đúng vào thời điểm phù hợp khi kinh tế toàn cầu sa sút, nên đã góp phần kích thích tăng trưởng đầu tư, tăng trưởng tiêu dùng và tạo ra nhiều việc làm thông qua việc phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng, mang tới nguồn thu nhập tài chính to lớn cho các nước tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng, đặc biệt là việc tạo động lực mới cho sự cất cánh kinh tế của các nước đang phát triển và góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Các số liệu cũng cho thấy BRI còn mang lại nhiều lợi ích nổi bật khác, như trong năm 2017 việc triển khai sáng kiến đã góp phần giúp các nước thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, đẩy mạnh giáo dục và thúc đẩy hợp tác trong giao tiếp văn hóa và chăm sóc y tế.
Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc chỉ ra rằng việc triển khai BRI còn mang lại kinh nghiệm quan trọng để Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế và giúp Trung Quốc cùng các nước nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai các dự án cũng như quyết tâm kiên trì mở cửa và hợp tác "cùng thắng". Kinh nghiệm rút ra được từ quá trình này là hợp tác BRI cần phải được thực hiện trên cơ sở cùng thảo luận, tham vấn và trao đổi chính sách.
Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc và quốc gia tham gia cần đạt được nhận thức chung cấp cao, sau đó thông qua hợp tác liên Chính phủ, thiết lập một số cơ chế hợp tác như Khu vực thương mại tự do, Hiệp định đầu tư, để đóng vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại song phương.
Bên cạnh đó, cần phải có một cơ chế tài chính có khả năng kiểm soát rủi ro bền vững. Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc cũng cho rằng trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa làm gia tăng các thách thức, BRI có thể giúp giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan của quá trình toàn cầu hóa kinh tế và thúc đẩy phát triển cân bằng, hòa nhập và bền vững trên toàn thế giới.
BRI cũng giúp các nước giành được thêm thị trường và mở rộng hoạt động xuất khẩu, đáng chú ý là việc Trung Quốc đã tự nguyện mở cửa thị trường với 1,3 tỷ người và hoan nghênh chào đón hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và tài năng nước ngoài tới Trung Quốc.
Trên thực tế, các nỗ lực của Trung Quốc đã kích thích sức sống mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của các nước và góp phần vào sự phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện của nền kinh tế toàn cầu.
Đông Nam Á là khu vực được Trung Quốc xác định có vị trí địa chiến lược quan trọng để triển khai BRI. Trong hơn 5 năm qua, cùng với những nỗ lực ngoại giao chưa từng cố việc tuyên tuyền quảng bá sâu rộng trong nước và quốc tế, Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của hầu hết các nước Đông Nam Á.
Từ lúc ban đầu chỉ có 03 nước Lào, Campuchia và Thái Lan tuyên bố ủng hộ và cam kết tham gia BRI, đến nay hầu hết các nước ASEAN đã ủng hộ và tham gia BRI. Nhiều dự án hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối đường sắt, đường bộ, cảng biển, phát triển thủy điện, đường ống dẫn dầu và các khu công nghiệp.
Sự ủng hộ của các nước ASEAN đối với BRI chủ yếu là do các dự án trong khuôn khổ BRI phù hợp với nhu cầu cấp thiết của ASEAN trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (AMPC) và BRI hứa hẹn cung cấp nguồn tài chính bổ sung quan trọng cho các dự án phát triển hạ tầng ở các nước ASEAN. ASEAN cần khoảng 1.700 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong một thập kỷ tới, nhưng các nước ASEAN chỉ có thể đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu vốn nói trên.
Trong quá trình thúc đẩy BRI ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã thúc đẩy sự liên kết BRI với chiến lược phát triển quốc gia của các nước trong khu vực, như chiến lược “Tứ giác” của Campuchia, sáng kiến “Trục hàng hải” của Indonesia, “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của VN, chiến lược “Tầm nhìn Brunei 2035”, “Tầm nhìn Philippines 2040”, “Quy hoạch hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - Malaysia”, “Chiến lược đưa Lào thành quốc gia nối ra biển”, “Sáng kiến kết nối Chiến lược Singapore – Trung Quốc,” “Chiến lược 4.0 của Thái Lan”… nên BRI dễ dàng được các nước ASEAN tiếp nhận hơn.
Trong khi đó, giới học giả quốc tế nhìn nhận đa chiều về tình hình triển khai BRI. Nhiều ý kiến cho rằng BRI tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự gắn kết và phát triển cơ sở hạ tầng, song cũng có những tác động tiêu cực tới các nước tham gia.
Trưởng ban nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Aleksandr Akimov cho rằng đối với Nga, việc tham gia BRI không phải là nhằm mưu cầu lợi ích mà là để giảm thiểu rủi ro và thua lỗ, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu một số biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây nên Nga quan tâm đến việc đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp dầu và khí đốt.
Mặc dù quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi, song EU hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm tới 42% kim ngạch thương mại. Điều này cho thấy về mặt chính sách, Nga không đặt nhiều kỳ vọng vào sự hợp tác đầu tư với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI.
Chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Trung và Cận Đông Sergey Kamenhev chỉ ra rằng Trung Quốc quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác với Pakistan vì nước này có vị trí địa chiến lược quan trọng trong giao điểm của các tuyến đường kết nối Viễn Đông, Nam và Trung Á, đồng thời là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Pakistan cũng là một thị trường lớn với 208 triệu người (đứng vị trí thứ 6 trên thế giới) và là cường quốc hạt nhân trên thế giới. Tháng 4/2015, Pakistan đã ký với Trung Quốc các thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường dây vận tải điện), đồng thời thúc đẩy triển khai Dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, đi qua khu vực tranh chấp Kashmir và kết nối khu vực phía Tây kém phát triển của TQ ra Ấn Độ dương.
Việc Trung Quốc thúc đẩy các dự án này tại Pakistan không chỉ vì lợi ích kinh tế, đầu tư, thương mại và thúc đẩy sự phát treienr khu vực phía Tây của Trung Quốc, mà còn phục vụ triển khai chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Nam Á.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/4 vừa qua, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde một mặt hoan nghênh BRI góp phần thúc đẩy sự phát triển hạ tầng của các nước, nhưng mặt khác lên tiếng cảnh báo các nước cần thận trọng đối với "những dự án không cần thiết và không bền vững" vì sẽ dẫn tới những gánh nặng nợ nần chồng chất sau này.
Bà Lagarde cho rằng ngoài nguy cơ nợ nần, những dự án nằm trong sáng kiến này có thể hạn chế các chi tiêu khác của các nước khi nợ dịch vụ tăng và khiến các nước khó cân đối thu chi hơn. Trước đó, một nghiên cứu của IMF cho thấy 23 nước hiện đang trong tình trạng "nợ nần nguy hiểm" do vay nợ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc BRI.
Vấn đề nợ cũng gây ra tranh cãi nan giải trong giới kinh tế về việc làm sao có thể xử lý tốt nhất việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại những nước có nền kinh tế non yếu, dễ đổ vỡ. Trung tâm Washington về Phát triển Toàn cầu cũng đã nêu dẫn chứng về 8 nước tham gia BRI hiện đang gặp phải vấn đề nợ nghiêm trọng từ Trung Quốc, trong đó có Pakistan, Djibouti, Maldives và Lào.
Một số nước, trong đó có Ấn Độ và các nước phương Tây tỏ ra ngờ vực ý đồ của Trung Quốc, chẳng hạn Mỹ đặt ra câu hỏi liệu nỗ lực phát triển các dự án quốc tế của Trung Quốc có che đậy việc Trung Quốc muốn giành ảnh hưởng tại khu vực Á-Âu và châu Phi hay không.
Các nước này cũng nhấn mạnh hơn tính phê phán đối với BRI, cho rằng về trung và dài hạn, việc Trung Quốc triển khai BRI theo hướng gắn kết lợi ích của các nước xoay quanh một trung tâm là Trung Quốc sẽ không phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, trong đó hướng tới gắn kết lợi ích giữa các quốc gia theo các khuôn khổ đa phương, cân bằng và bình đẳng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 vừa diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục duy trì lập trường không ủng hộ BRI.
Trong khi đó Mỹ dù giảm phản đối BRI, song tìm cách gia tăng cạnh tranh với các dự án BRI ở khu vực. Hiện Mỹ đang xem xét khả năng “hồi sinh” sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới” và “Hành lang kinh tế Ấn Độ dương - Thái Bình Dương” để đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực.
Nhật Bản mặc dù không phản đối BRI, nhưng cũng đẩy mạnh cạnh tranh với sáng kiến này để duy trì lợi ích của Nhật Bản thông qua việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Nam Á, nhất là tại Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Một số báo chí phương Tây gần đây cũng tăng cường cảnh báo về mặt trái của BRI; chỉ ra rằng các nước tích cực tham gia BRI chủ yếu là các nước nghèo, đang phát triển, có quy mô kinh tế nhỏ ở châu Á và châu Phi. Một số dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các nước này đã bộc lộ khiếm khuyết, nhất là việc thiếu minh bạch về tài chính và sử dụng công nghệ lạc hậu, khiến chính giới và dư luận sở tại bất bình.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận nguồn vốn vay từ Trung Quốc khiến các nước nghèo đứng trước nguy cơ vỡ nợ và chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Hiện nợ công của Djibouti đã gia tăng nhanh chóng, từ 48% GDP năm 2013 lên hơn 80% năm 2017, trong đó 80% các khoản nợ đến từ TQ.
Tại Đông Nam Á, một bộ phận giới nghiên cứu đánh giá cao những đóng góp của BRI vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về kết nối hạ tầng tại các nước tham gia. Tuy nhiên, một bộ phận khác lại cho rằng dù đạt được một số kết quả tích cực, song quá trình triển khai BRI tại Đông Nam Á đang làm gia tăng phản ứng trái chiều và tâm lý thận trọng gia tăng trong nội bộ các nước ASEAN.
Các cơ quan quản lý cũng như giới doanh nghiệp, kể cả khu vực nhà nước và tư nhân tại một số nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu minh bạch trong các dự án đầu tư thuộc BRI cũng như tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, chậm giải ngân của các doanh nghiệp Trung Quốc (Theo thống kê, chỉ 7% đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia trong giai đoạn từ 2005-2014 được thực hiện).
Một số dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị và vật liệu kém chất lượng, kéo theo sự hiện diện của nhiều lao động phổ thông người Trung Quốc tới nước sở tại, gây ra những hệ lụy tiêu cực tới môi trường sinh thái và văn hóa - xã hội của các nước tham gia BRI.
Các nước trong khu vực, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, cũng quan ngại việc triển khai nhánh “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ đụng chạm tới tới chủ quyền lãnh thổ, lợi ích và an ninh quốc gia của các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.