Nhìn lại kinh tế - tài chính thế giới quý II/2016
Trong quý II/2016, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có những diễn biến mới như: mức tăng lạm phát tăng lần đầu tiên của khu vực Eurozone, những ảnh hưởng từ Brexit đối với nền kinh tế Anh, nỗ lực trong phục hồi kinh tế của Trung Quốc, Mỹ, Nga…
Eurozone: Lạm phát tăng lần đầu tiên
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu – Eurostat, trong tháng 6/2016, tỷ lệ lạm phát của Eurozone tăng khoảng 0,1% - tháng tăng đầu tiên trong vòng 5 tháng qua, do giá dịch vụ, thực phẩm và các mặt hàng công nghiệp tăng, trong khi giá năng lượng giảm với tốc độ chậm hơn; lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá) tăng khoảng 0,9%.
Trong tháng 5/2016, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone là 10,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2011, sau khi đạt tỷ lệ 10,2% trong tháng 4/2016; tỷ lệ thất nghiệp tại EU28 trong tháng 5/2016 là 8,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Cũng trong tháng 5/2016, khối lượng thương mại bán lẻ của Eurozone tăng 0,4% so với tháng 4/2016, chủ yếu do tăng các sản phẩm phi thực phẩm (0,7%); thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, nhiên liệu ô tô vẫn ổn định. So với cùng kỳ năm 2015, khối lượng bán lẻ của khu vực tăng 1,6%.
Kinh tế Anh có dấu hiệu giảm sút sau Brexit
Do lo ngại các doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường Anh sau Brexit, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne có kế hoạch: Cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp từ 20% hiện nay xuống dưới 15% - mức thuế suất cạnh tranh so với mức trung bình 25% trong nhóm các nền kinh tế chủ chốt thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế; hỗ trợ hoạt động cho vay của các ngân hàng; khuyến khích đầu tư trực tiếp vào vùng Bắc Anh và duy trì sự ổn định của hoạt động tài chính.
GDP của Anh sẽ bị giảm từ 1,5 - 4,5 điểm phần trăm vào năm 2019 so với mức bình quân của nước nước này khi vẫn còn thuộc EU, do Anh sẽ gặp khó khăn trong thỏa thuận thương mại với EU.
Trong tháng 6/2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Anh giảm từ 53,5 điểm trong tháng 5 xuống còn 52,3 - mức thấp nhất kể từ tháng 02/2013; PMI lĩnh vực xây dựng giảm từ 51,2 điểm trong tháng 5 xuống còn 46 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Trong phiên giao dịch ngày 06/7 tại thị trường London, đồng GBP hạ xuống mức 1,2798 USD/GBP - thấp nhất trong vòng 31 năm - do lo ngại ngoại tệ sẽ chảy ra khỏi nước Anh và việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cắt giảm lãi suất sẽ tác động mạnh đến đồng GBP.
Thách thức đối với nền sản xuất công nghiệp Đức
Chính phủ Đức đã phê chuẩn ngân sách năm 2017 và các kế hoạch tài chính đến năm 2020, trong đó dự kiến giảmnợ côngxuống dưới 60% GDP vào năm 2020 - lần đầu tiên kể từ năm 2002 - để đáp ứng quy định của Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của EU. Đức có thể tăng chi tiêu ngân sách mà không tạo ra nợ mới nhờ nguồn thu từ thuế tăng trong bối cảnh số lượng việc làm được tạo ra tăng cao kỷ lục và chi phí tái cấp vốn thấp nhờ chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong tháng 5/2016, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 1,3% - mức giảm mạnh nhất trong vòng 21 tháng qua, sau khi tăng 0,5% trong tháng 4/2016, cho thấy những thách thức đối với nền sản xuất công nghiệp của Đức trước những bất ổn của kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của Brexit.
Nỗ lực của Nga đưa lạm phát về mức 2 con số
Trong tháng 6/2016, lạm phát của Nga tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, sau khi tăng 7,3% trong tháng 5/2016, cho thấy nỗ lực của Chính phủ Nga trong việc đưa lạm phát từ mức 2 con số (trong năm 2015) về mức 1 con số. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, lạm phát sẽ giảm xuống còn 5 - 6% vào cuối năm 2016, 4% vào cuối năm 2017.
Hoa Kỳ tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Hoa Kỳ đạt 51,3 điểm trong tháng 6/2016 - mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, sau khi đạt 50,7 điểm trong tháng 5/2016, cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất tại nước này; chỉ số việc làm tăng lên 50,4 điểm, từ mức 49,2 điểm trong tháng 5; chỉ số đơn đặt hàng mới tăng lên 57 điểm, từ mức 55,7 điểm trong tháng 5; chỉ số giá thanh toán giảm xuống còn 60,5 điểm so với 63,5 điểm trong tháng 5.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tháng 5/2016 đạt 41,1 tỷ USD, cao hơn kỳ vọng (40 tỷ USD), tăng 10,1% so với tháng 4/2016, do nhập khẩu tăng cao (1,6%) trong khi xuất khẩu giảm (giảm 0,2%) do ảnh hưởng của việc đồng USD tăng giá.
Sự lo ngại về kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư hướng tới trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, khiến lãi suấttrái phiếukỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,38%.
Kinh tế Trung Quốc dần phục hồi
PMI lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng từ 51,2 điểm trong tháng 5/2016 lên 52,7 điểm trong tháng 6/2016 - mức cao nhất trong vòng 11 tháng qua, cho thấy sự tái cân bằng của nền kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang dịch vụ.
Tính đến cuối tháng 6/2016, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 3.210 tỷ USD, tăng 20 tỷ USD so với tháng 5/2016, mức tăng cao nhất trong 14 tháng qua. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ tỷ giá tham chiếuđồng CNYxuống 6,8 CNY/USD vào cuối năm 2016 nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc. Tính trong cả năm 2016, CNY dự kiến giảm 4,5% giá trị, bằng mức giảm kỷ lục trong năm 2015.