Brexit làm “lung lay” vị thế trung tâm tài chính London
Kết quả gây sốc của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Vương quốc Anh đang đe dọa làm “lung lay” vị thế là trung tâm giao dịch tài chính hàng đầu thế giới của Thủ đô London.
Thị trưởng Trung tâm tài chính London Jeffrey Mountevans cho rằng Chính phủ Anh cần nhanh chóng xây dựng các điều khoản thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU) nhằm duy trì nguồn vốn đổ về quốc gia này, cũng như giúp London giữ vững vị trí trung tâm tài chính của châu Âu.
Người đứng đầu Trung tâm tài chính London kêu gọi chính phủ nhanh chóng hành động nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ tiếp tục chảy về, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh cho các công ty quốc tế tại nước này.
Trước mắt, nước Anh phải bảo vệ quyền tự do tiếp cận được thị trường chung EU. Hiện nay các ngân hàng, các công ty quản lý tài sản và các sở giao dịch tài chính tại London đều phục vụ khách hàng trong toàn EU thông qua hệ thống hộ chiếu tiếp cận thị trường chung.
Chính quyền Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đang cân nhắc việc miễn giảm thuế nhằm thu hút các doanh nghiệp quốc tế và ngân hàng muốn chuyển hoạt động ra khỏi nước Anh, sau khi cử tri nước này bỏ phiếu rời khỏi EU. Madrid cùng với các thành phố khác của EU đang "tranh giành” các doanh nghiệp hoạt động tại London, trong đó có Frankfurt và Paris, hai trung tâm tài chính lớn nhất châu lục này.
Chính quyền Madrid đang xem xét giới thiệu một cơ chế thuế hấp dẫn cho việc mua và bán đất đai và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vốn vào bất động sản.
Soraya Sáenz de Santamaría, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, cho hay nước này cũng sẽ cạnh tranh để trở thành nơi đặt trụ sở của Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), vốn được đặt tại nước Anh.
London là đại bản doanh của nhiều hãng luật, kiểm toán, nhiều nhãn hàng xa xỉ và các trung tâm mua sắm đẳng cấp, các tổ chức đào tạo uy tín và nền văn hóa phục hưng rộng lớn bậc nhất châu Âu.
Chính vì thế nhiều người lo ngại việc nước Anh rời EU cùng với hàng loạt những rắc rối kéo theo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự thịnh vượng của trung tâm tài chính London. Lĩnh vực dịch vụ tài chính đóng góp 12% GDP cho Vương quốc Anh, sử dụng hơn 2,2 triệu lao động và nộp 66 tỷ bảng Anh (88,5 tỷ USD) tiền thuế.
Bộ trưởng Tài chính nước Anh Geogre Osborne mới cảnh báo ngân sách quốc gia sẽ không thể đạt thặng dư vào năm 2020 như dự kiến, do những tác động tiêu cực từ Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc nước Anh có thể còn tiếp tục phải thực thi những biện pháp khắc khổ.
Ông Osborne cũng cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng mập mờ về tương lai của đất nước là nhanh chóng xác định mối quan hệ mới với EU, duy trì năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, tự do thương mại và chính sách mở cửa nền kinh tế.