Con tàu Nga vượt khủng hoảng

Theo thoibaonganhang.vn

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định mặc dù chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong 2 năm qua, nhưng đến nay nền kinh tế Nga đã vượt qua thời kỳ suy thoái khó khăn nhất.

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khép lại vào ngày 29/6. Nguồn: internet
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khép lại vào ngày 29/6. Nguồn: internet

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô của nước này đã dần ổn định và thích nghi với những điều kiện mới, nhất là sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit), các chuyên gia đánh giá những động thái mới trong chính sách đối ngoại của Moskva đóng vai trò quan trọng giúp Tổng thống Putin đưa con tàu Nga vượt khủng hoảng.

Cục diện nước Ngahậu Brexit

Liên quan đến Brexit hãng tin RIA Novosti đã phỏng vấn ông Laurie Bristow, Đại sứ Vương quốc Anh tại Moskva về ý nghĩa lịch sử của sự kiện này đối với doanh nhân và du khách Nga cũng như triển vọng phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.

Đại sứ Bristow phát biểu: “Trước hết, chúng tôi muốn củng cố quan hệ kinh tế với Nga trong bối cảnh đất nước đang vượt ra khỏi suy thoái kinh tế. Nước Anh là nhà đầu tư lớn tại Nga. Còn Nga cũng là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn trong nền kinh tế Anh. Thời điểm hiện nay chúng tôi đang hợp tác với gần 100 công ty Nga, có kế hoạch đầu tư khoảng 600 triệu bảng. Vẫn như trước đây, chúng tôi muốn mở cửa về thương mại và đầu tư cùng với tất cả các đối tác thương mại-kinh tế lớn. Điều đó liên quan đến cả những lĩnh vực như dịch vụ tài chính và pháp lý, dầu khí, dược phẩm, đào tạo và nền kinh tế sáng tạo”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Andrey Sushentsov, Chủ tịch nhóm Nghiên cứu chính trị Valdai và cũng là giáo sư của Viện quan hệ quốc tế Moskva, Brexit sẽ khiến kinh tế Nga thiệt hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu ở nước Anh và gắn chặt với khối EU.

Trong nhiều thập niên, EU là bạn hàng chính của Nga. Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện nay lên đến 360 tỷ USD, với 80% trong đó số đó gửi tại các ngân hàng nước ngoài và hơn 40% trong số đó là bằng đồng euro. Một trận “động đất” kinh tế tại châu Âu sẽ gây tác hại vừa trực tiếp vừa gián tiếp cho Nga. Khi nước Anh rời khỏi EU, hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Síp.

Brexit có thể gây ra một cuộc “chiến tranh” thương mại giữa Vương quốc Anh và EU với hệ quả là làm tiêu tan tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này. Moskva trước đây đã phải “cứu” đảo Síp 2,5 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010 để bảo vệ tài sản của họ tại đây.

Trong khi đó, trong bài viết đăng trên báo "The Washington Post" (Mỹ), cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul lại cho rằng Brexit là thắng lợi của Tổng thống Nga Putin. Quyết định của đa số cử tri Anh ra khỏi EU cho thấy một châu Âu đang suy yếu trong khi Nga, các đồng minh và tổ chức đa phương của họ đang củng cố, thậm chí có thêm thành viên mới. Các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông Putin đã thu lợi rất nhiều từ Brexit.

Thúc đẩy chính sáchđối ngoại linh hoạt

Tổng thống Nga mới đây tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, và lãnh đạo hai nước đã ký ba tuyên bố chung cùng hơn 30 thỏa thuận hợp tác, làm sâu sắc quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tổng quan các văn kiện ký kết giữa hai nước Trung Quốc và Nga lần này rất dễ nhận thấy có hai đặc điểm: một là, phạm vi hợp tác rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, an ninh, hợp tác quốc tế. Hai là nhấn mạnh sự ủng hộ lẫn nhau và kết nối chiến lược.

Về mặt hợp tác quốc tế, hai nước cũng nhấn mạnh kết nối chiến lược quốc tế của nhau, chẳng hạn như kết nối “Liên minh kinh tế Á - Âu” do Nga chủ đạo, với “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đề xướng. Mới đây, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) cũng thông báo đã bắt đầu mua đồng NDT để dự trữ kể từ quý IV năm ngoái như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ và củng cố nền tảng kinh tế trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Báo “Độc Lập” (Nga) đã so sánh quan hệ ngày càng được tăng cường giữa Trung Quốc - Nga so với Nga - Ấn, khi trao đổi thương mại Nga - Trung trong năm 2015 đạt hơn 60 tỷ USD. Trong lúc kim ngạch thương mại Nga - Ấn chỉ vào khoảng 10 tỷ USD. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng từng tuyên bố Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, bất chấp khủng hoảng, và dự kiến đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi đó, tờ "The Wall Street Journal" (Mỹ) nhận định nước Nga đang tái tăng cường sự hiện diện trên khắp Đông Nam Á bằng chính sách ngoại giao mới, các thỏa thuận trao đổi năng lượng, trong bối cảnh Moskva tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và khôi phục ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.

Mười thành viên có nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN, với GDP tổng cộng là 2.600 tỷ USD) đang là thị trường chủ chốt cho những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga: dầu khí, công nghệ sạch và vũ khí.

Kim ngạch trao đổi thương mại của Nga với các nước Đông Nam Á năm 2014 đạt 21,4 tỷ USD, đưa nước Nga trở thành đối tác thương mại thứ 14 của ASEAN.

Đáng chú ý, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khép lại khi Tổng thống Putin tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/6. Quan hệ giữa hai nước bị gián đoạn sau khi xảy ra thảm họa máy Su-24 của Nga bị bắn ở khu vực gần biên giới Syria tháng 11/2015.

Trước thời điểm căng thẳng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ khá mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 40 tỷ USD/năm, còn Nga là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định với tiến trình bình thường hóa quan hệ, hai nước có đầy đủ cơ hội và tiềm năng để đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020.