Nhìn lại năm 2013 và nhận diện những thách thức năm 2014

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số đông 90 triệu người, dân số trẻ, thu nhập bình quân ngày càng tăng lên, nhu cầu mua sắm cao. Thống kê của Vietnam Report từ bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 cho thấy ngành bán lẻ đứng vị trí thứ 6 về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA).

Nhìn lại năm 2013 và nhận diện những thách thức năm 2014
Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng. Nguồn: internet
Nhìn lại thị trường bán lẻ năm 2013 cho thấy, xét theo loại hình kinh tế, tổng mức bán lẻ của loại hình kinh tế cá thể tăng cao (16,7%), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số (50,3%), tăng so với cùng kỳ năm trước (48,5%). Tỷ trọng cao và tăng chứng tỏ phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ truyền thống mua bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ với các loại hàng có phẩm cấp, giá cả phù hợp với thu nhập.

Các loại hình kinh tế khác (như kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, khu vực FDI) có tốc độ tăng chậm hơn, tỷ trọng giảm so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Nhà nước giảm làm tỷ trọng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước (9,9% so với 12,1%). Loại hình kinh tế tư nhân tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, nên tỷ trọng cũng giảm nhẹ (từ 35,6% xuống còn 35,3%)...

Tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ của khu vực FDI, nếu năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với cam kết mở cửa trong nhóm ngành dịch vụ sâu rộng hơn, chiếm 3,7%, thì năm 2008 giảm xuống còn 3,4%, 11 tháng 2013, tỷ trọng đã tăng lên đạt 3,4%.

Thách thức

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà gần như bỏ quên mất thị trường ở khu vực nông thôn, miền núi. Ở Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài bán chiếm đến 40%...

Như vậy, nếu cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn thiếu một chiến lược phát triển trong tình hình mới, không xây dựng được mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau thì khả năng tồn tại và đứng vững trên thị trường bán lẻ là rất khó khăn. Không có chiến lược đúng đắn sẽ dẫn đến thu hẹp quy mô hoạt động, hoặc bị sáp nhập vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, thách thức mới cũng đặt ra trong năm 2014 là kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% trong tổng hệ thống bán lẻ cả nước, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này xấp xỉ 50%. Trong tương lai gần phân khúc này đang tăng lên khi thu nhập của giới trung lưu đang tăng dần. Và các doanh nghiệp nước ngoài đã nhắm đến phân khúc thị trường này.

Theo số liệu của Công ty khảo sát, đánh giá thị trường Niesel, tại TP. Hồ Chí Minh có trên 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó 60% do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, có sự khác biệt so với các cửa hàng tiện lợi trong nước, đó là hầu hết mở cửa 24 giờ mỗi ngày và xuyên suốt cả tuần. Cửa hàng tiện lợi có cả không gian ăn uống và nghỉ trưa, có nghiên cứu sâu về tập quán tiêu dùng nội địa, dịch vụ tốt, đã “hút ” được người tiêu dùng.

Doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng bán hàng, tuyên truyền quảng cáo, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phương tiện cân đo đong đếm, vệ sinh an toàn thực phẩm….