Nhu cầu năng lượng ở châu Á đang tăng nhanh

Hà Anh (Theo Japan Times)

Năng lượng hạt nhân có thể giúp các quốc gia châu Á đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cho biết trong báo cáo toàn cảnh năng lượng toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Straitimes
Ảnh minh họa. Nguồn: Straitimes

Theo Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, ước tính sơ bộ, mức tiêu thụ năng lượng thế giới đã tăng lên tới 38% vào năm 2014 và đến năm 2040 sẽ đạt 18.900 tỷ tấn dầu.

Nhiên liệu hóa thạch sẽ chiếm khoảng 78% lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu vào năm 2040. Hầu hết sự tăng trưởng năng lượng này là từ châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực ASEAN) chiếm khoảng 55%.

Nhu cầu năng lượng ở châu Á đang tăng nhanh do quá trình công nghiệp hóa, cải thiện tiêu chuẩn sống và thiếu năng lượng. Trái ngược với xu hướng thế giới, châu Á sẽ phụ thuộc vào các nguồn năng lượng giá rẻ, chẳng hạn như than để đáp ứng nhu cầu điện tăng gấp 3 lần.

Theo Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, châu Á đang tìm lời giải cho bài toán an ninh năng lượng và các vấn đề môi trường toàn cầu trong những năm tới.

Báo cáo toàn cảnh năng lượng toàn cầu đã tập trung phân tích 3 vấn đề chính: Tác động của sự gián đoạn nguồn cung ứng năng lượng; biến đổi khí hậu; và vai trò của năng lượng hạt nhân.

Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cho biết,  năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Báo cáo này cũng đưa ra kịch bản, công suất điện hạt nhân toàn cầu sẽ tăng từ 399 GWe vào năm 2014, lên 612 GWe vào năm 2040. Trong giai đoạn này, điện hạt nhân sẽ tăng từ 2.535 TWh lên 4.357 TWh, nhưng tổng sản lượng điện toàn cầu sẽ vẫn không thay đổi ở khoảng 11,5%.

Theo một kịch bản khác, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cho rằng, điện hạt nhân trở thành nguồn điện quan trọng đối với châu Á và các nước Trung Đông.

Kịch bản này giả định năng lượng hạt nhân “sẽ được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn, và việc chuyển giao công nghệ hạt nhân sẽ được thực hiện đúng quy trình từ các nước phát triển công nghệ hạt nhân, chẳng hạn như Nhật Bản chuyển giao công nghệ tới các nước mới nổi”. Theo kịch bản này, công suất phát điện hạt nhân ở châu Á sẽ tăng khoảng 7 lần trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2040.

Tuy nhiên, trong kịch bản hạt nhân thấp, không có nhà máy điện hạt nhân được xây dựng không chỉ ở các nước phát triển, mà còn ở các nước mới nổi - thế giới trở nên ít phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Theo kịch bản này, năng lượng điện tự cung tự cấp của châu Á sẽ giảm từ trên 75% hiện nay xuống dưới 65% và gia tăng lượng khí thải CO2.

Giám đốc quản lý và nhà kinh tế của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản Ken Koyama cho biết, phân tích về độ nhạy cảm của các kịch bản trên cho thấy rằng, năng lượng hạt nhân có thể góp phần lớn vào việc giảm lượng khí thải CO2, nâng cao tỷ lệ năng lượng tự cung tự cấp và tiết kiệm chi phí điện…

Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cũng lưu ý, sự phát triển của năng lượng hạt nhân trong tương lai là không chắc chắn. Bởi vì nó không chỉ phụ thuộc vào năng lượng, kinh tế và trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng xã hội cuả các nước trong khu vực, mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ quốc tế.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới vào cuối năm 2015 đã có 66 nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có 43 lò đang được xây dựng ở châu Á.

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới đã phát triển sứ mệnh trong tương lai về điện riêng cho mình, gọi là Harmony. Điều này dựa vào 2 kịch bản của cơ quan Năng lượng quốc tế nhằm tránh những hậu quả tai hại nhất của biến đổi khí hậu và yêu cầu một sự gia tăng lớn hơn về năng lượng hạt nhân.

Harmony đã đưa ra sự kết hợp đa dạng của công nghệ phát thải các bon thấp, mang lại lợi nhuận tối đa và những tác động tiêu cực là tối thiểu. Mục tiêu năng lượng hạt nhân của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới là sẽ hướng tới cung ứng khoảng 25% điện năng vào năm 2050, đòi hỏi phải có khoảng 1.000 GWe công suất hạt nhân mới được xây dựng.