Những câu chuyện phía sau việc ‘Chính phủ Mỹ đóng cửa’

Theo infonet.vn

(Tài chính) Theo Công ty tài chính IHS, việc chính phủ đóng cửa khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 300 triệu USD/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài 21 ngày như từng xảy ra năm 1995 đến năm 1996, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể sụt mất 0,9%, xuống còn 1,3%.

Một người dân cầm tấm bảng với dòng chữ: Hãy thôi việc "bắt giữ nước Mỹ làm con tin" để phản đối sự bất đồng giữa 2 đảng trong Quốc hội Mỹ. Nguồn: internet
Một người dân cầm tấm bảng với dòng chữ: Hãy thôi việc "bắt giữ nước Mỹ làm con tin" để phản đối sự bất đồng giữa 2 đảng trong Quốc hội Mỹ. Nguồn: internet

Vì sao phải đóng cửa?

Nói một cách đơn giản nhất, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa bởi họ khởi đầu năm tài khóa mới mà không thông qua được kế hoạch chi tiêu ngân sách Nhà nước 2014. Đây là kết quả của sự mâu thuẫn nghiêm trọng về các điều khoản ngân sách chủ chốt giữa Quốc hội và Tổng thống và bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Những tranh luận diễn ra vài tháng trước đây về kế hoạch ngân sách đã không đi đến đâu khi dự luật ngân sách đã không được Quốc hội thông qua. Căn cứ vào hiệu lực lập pháp từ thế kỷ 19, mỗi điều khoản trong Dự luật ngân sách cần phải được Quốc hội thông qua thành luật. Chính phủ không thể tiêu một đồng nào nếu không có được dự luật này và kết quả là các cơ quan chính phủ phải đóng cửa từ ngày 1/10.

Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu trên truyền hình với các binh lính và nhân viên dân sự Bộ Quốc phòng. Ông Obama bày tỏ sự thất vọng về việc chính phủ đóng cửa: "Thật không may, Quốc hội đã không hoàn thành trách nhiệm của mình".

Ước tính có khoảng 2,1 triệu nhân viên đang làm việc cho chính phủ liên bang. Khoảng 800.000 người (hay 1 triệu nhân viên theo số liệu của một số nguồn tin Mỹ) được đánh giá là không quan trọng, được cho nghỉ việc không lương sau khi chính phủ đóng cửa. Bên cạnh các cơ quan liên bang (trong đó có cả Đại diện Lầu Năm Góc và Đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài), một số cơ quan chính phủ các cấp khác cũng bị đóng cửa. Sẽ không có bất kỳ khoản thanh toán an sinh xã hội nào được chi trả. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ không nhận được khoản vay từ chính phủ. Bảo tàng quốc gia, công viên bị đóng cửa. Cảnh sát, lính cứu hỏa chỉ thực thi nhiệm vụ trong những trường hợp rất khẩn cấp.

Trong trường hợp ngân sách liên bang bị trì hoãn thì khả năng nhiều trường học cũng sẽ phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp ước tính dao động xung quanh con số 13 triệu nhưng chỉ 1,7 triệu người đủ điều kiện được tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp việc chính phủ đóng cửa còn kéo dài thì khả năng những người trên cũng không còn được nhà nước hỗ trợ.

Nguyên nhân sâu xa

Phe cứng rắn trong Quốc hội Mỹ kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình rằng Luật chăm sóc sức khỏe theo sáng kiến của Tổng thống Obama (Obamacare) đề ra năm 2009 cần phải hủy bỏ, đó là trở ngại chính dẫn đến bất đồng khiến ngân sách không được thông qua.

Lợi dụng thời điểm này, Tổng thống Obama cố gắng bảo vệ dự luật Obamacare đã được thông qua năm 2010 với các điều khoản chính không bị sửa đổi. Sau đó, quá trình mâu thuẫn này bắt đầu bùng phát. Phe Cộng hòa cố gắng khoảng 40 lần ngăn chặn Quốc hội thông qua. Với sự kiên định nhất quán, Tổng thống Obama kiên quyết bảo vệ dự luật cải cách chăm sóc sức khỏe bất chấp cả các chương trình an sinh khác. Ví dụ, vài năm trước, chính phủ đã nhận trách nhiệm giải cứu một số thành phố khỏi bị phá sản. Chương trình này đã dần giảm xuống trong hai năm qua, để mặc cho các thành phố đó tự xoay xở, dẫn đến việc các thành phố này chết dần chết mòn. Ước tính, 250 khu đô thị sầm uất trước đây đã trở thành các thành phố ma.

Những câu chuyện phía sau việc ‘Chính phủ Mỹ đóng cửa’  - Ảnh 1
Chi chính phủ bị đóng cửa, bảo tàng quốc gia, công viên bị đóng cửa. Cảnh sát, lính cứu hỏa chỉ thực thi nhiệm vụ trong những trường hợp rất khẩn cấp. Nguồn: internet

Chính quyền Obama tìm kiếm cơ hội mới để cắt giảm chi tiêu xã hội. Thời điểm để dễ dàng thanh toán trợ cấp thất nghiệp đã biến mất. Ngày nay, có rất nhiều rào cản phức tạp đặt ra với quá trình thanh toán trợ cấp thất nghiệp. Một trong những cách đề đạt được "tối ưu hóa" là mở rộng chương trình tem phiếu thực phẩm, vốn rẻ hơn nhiều so với việc trao tiền cho người nghèo.

Chương trình tem phiếu lương thực đã được đưa ra cách đây 40 năm nhưng nó chỉ giới hạn trong phạm vi khi nào xảy ra khủng hoảng. Đỉnh điểm là trong cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, khiến số người thất nghiệp nhận trợ cấp tem phiếu lên đến 28 triệu người. Tháng 10/2012, chương trình này đã phổ cập 47,7 triệu người dân. Mỹ bắt đầu được gọi là đất nước của chủ nghĩa tư bản SNAP (Chương trình trợ cấp bổ sung dinh dưỡng hay còn gọi là tem phiếu thực phẩm).

Như con số ước tính nêu trên, sự cắt giảm quyết liệt đã giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 1.000 tỷ USD (chiếm hơn 5% GDP). Chắc chắn Washington sẽ tô vẽ đây là một thành tích tuyệt vời. Cho dù có được con số như vậy nhưng thâm hụt quốc gia Mỹ thậm chí vẫn còn rất cao, ngay cả khi so sánh với Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và nợ nần. Chỉ số nợ Mỹ đã tăng 1000 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề khác mà Mỹ đang phải gánh chịu.

Nước Mỹ sẽ vỡ nợ trong tháng 10?

Nước Mỹ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ trong những ngày tới. Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cho biết chính phủ sẽ hết quyền được vay vào ngày 17/10. Chính phủ Mỹ chỉ còn 30 tỷ USD tiền mặt để chi trả cho các hóa đơn của mình.

Theo ước tính của Công ty tài chính IHS Inc, việc chính phủ đóng cửa một phần sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 300 triệu USD/ngày. Dù con số này là rất nhỏ so với quy mô 15.700 tỷ USD của nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng tác động của nó có thể tăng cao nếu việc tiếp tục đóng cửa làm suy giảm niềm tin và chi tiêu của người dân cũng như các doanh nghiệp. IHS ước tính tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 4, đạt khoảng 2,2% sẽ bị giảm xuống chỉ còn 2% nếu chính phủ đóng cửa 1 tuần. Nếu tình trạng này kéo dài 21 ngày như từng xảy ra năm 1995 - 1996, dự báo tăng trưởng có thể sụt mất 0,9%, xuống còn 1,3%.

Mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ đã đạt 16.700 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, Chính quyền Obama đã và đang làm hết sức mình để thuyết phục Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công thêm một lần nữa. Đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối biện pháp này, cho rằng giải pháp thích hợp là cắt giảm chi tiêu chính phủ mà trước tiên là Obamacare.

Theo đảng Cộng hòa, chương trình Obamacare đã giúp Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Đặc biệt Đảng Cộng hòa khẳng định phần đa người dân Mỹ không tán thành cách thức thực hiện chương trình trên. Một số chính trị gia, chuyên gia kinh tế, doanh nhân phản ứng khá bình tĩnh trước cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Họ đã lường trước được tình huống mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đó là "vỡ nợ mặc định". Mọi trò chơi đều có cái kết theo một kịch bản giống nhau, đó là sự nổi lên của "trần nợ công".

Từ năm 1960 đến nay, hạn mức nợ quốc gia đã được sửa đổi 78 lần. Sự kiện nổi bật nhất trong số đó diễn ra hai năm trước: Nợ công của Mỹ vượt ngưỡng 100% GDP, cán mốc 103% GDP.

Những câu chuyện phía sau việc ‘Chính phủ Mỹ đóng cửa’  - Ảnh 2

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày càng khó có thể che đậy thực trạng nội bộ Mỹ qua mỗi năm. Tất cả các cơ quan xếp hạng kinh tế lớn trên thế giới bị chỉ trích gay gắt và phê phán kịch liệt vì đã không công bố chính xác thực trạng nền kinh tế, tài chính lớn nhất thế giới này. Giờ đây, các cơ quan đánh giá tín dụng buộc phải khách quan hơn với Mỹ.

Năm 2011, một lần nữa Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tranh cãi kịch liệt về trần nợ công. Cả hai đã vạch trần trước dư luận sự thật tình hình thực tại túng quẫn của nền kinh tế Mỹ. Không cơ quan đánh giá tín dụng nào dám nhằm mắt làm ngơ trước sự thật này. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, các cơ quan đánh giá tín dụng đã hạ chỉ số xếp hạng nước Mỹ từ vị trí đầu hàng "AAA" xuống còn "AA+".

Đầu tháng 8/2011, nước Mỹ trên bờ vực giới hạn mong manh của tình trạng vỡ nợ. Mười hai tiếng trước thời hạn, hai đảng đã đạt thỏa thuận cho phép nâng trần nợ công lên 2.500 tỷ USD. Đáng chú ý là thỏa thuận trên chỉ đạt được khi Tổng thống Obama phải cam kết cắt giảm 2.000 tỷ USD chi tiêu chính phủ.

Thỏa thuận trên chỉ kéo dài thêm tình hình được hai năm. Obama rất cần nâng trần nợ lên một lần nữa. Đảng Cộng hòa chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng Obama nên nhớ thực hiện cam kết năm 2011 là cắt giảm chỉ tiêu ngân sách. Các chuyên gia phân tích dự báo số tín dụng của Mỹ chắc chắn sẽ tụt thêm bậc nữa vào giữa tháng 10.

Đây là một cú đấm thực sự vào các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân bởi vì tác động của chỉ số xếp hạng ảnh hưởng đến lãi suất và giá trị các công cụ tài chính (trong đó có cả trái phiếu). Hành động của Quốc hội Mỹ vừa thông qua chẳng khác những gì mà thế giới từng chứng kiến trong năm 2011.